28/06/2021 14:11

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của BLHS năm 2015

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của BLHS năm 2015

Việc ghi nhận hình phạt cải tạo không giam giữ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) thể hiện quan điểm nhân đạo và chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện, đồng thời đây là hình phạt mà Nhà nước muốn người phạm tội chứng tỏ khả năng tự giáo dục, tự cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội của họ. Tuy nhiên việc áp dụng hình phạt này trong thực tiễn có một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

1. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Thứ nhất, về miễn việc khấu trừ thu nhập quy định tại Khoản 3 Điều 36 BLHS năm 2015 cụ thể như sau: “3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án…”.

Như vậy có thể thấy BLHS năm 2015 quy định trong những trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập và phải ghi rõ lý do trong bản án. Tuy nhiên, do BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đều không có quy định cụ thể như thế nào là trường hợp đặc biệt, việc này đã dẫn đến việc áp dụng tùy tiện đối với việc khấu trừ thu nhập nói chung và miễn việc khấu trừ thu nhập nói riêng. Một số bản án không áp dụng việc khấu trừ thu nhập đối với người phạm tội trong khi hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào chứng minh liên quan đến thu nhập của bị cáo, trong biên bản phiên tòa không thể hiện việc Hội đồng xét xử có hỏi đến thu nhập của bị cáo, trong bản án cũng thường chỉ nhận định chung chung lý do miễn việc khấu trừ thu nhập là do bị cáo không có thu nhập ổn định.

Thứ haivề điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ còn chưa cụ thể.

Một trong các điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là“nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội”, đây là điều kiện mang tính định tính, phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của Hội đồng xét xử. Việc không có văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho Tòa án trong việc áp dụng loại hình phạt này cũng như làm cho loại hình phạt này ít được áp dụng.

Thứ ba, về cơ quan quản lý, giáo dục người bị phạt cải tạo không giam giữ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định “ Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát giáo dục…”. Theo đó ngoài UBND cấp xã nơi cư trú thì còn có cơ quan, tổ chức nơi người bị phạt cải tạo không giam giữ được quyền giám sát, giáo dục người chấp án hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên tại Điều 11 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (LTHAHS) quy định về Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự  thì cơ quan, tổ chức mà người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ làm việc, học tập không phải là một trong những cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự (trừ trường hợp người đó là quân nhân trong đơn vị quân đội). Thêm vào đó trong các quy định tại Mục 3 về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ lại không có quy định nào quy định về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý người bị phạt cải tạo không giam giữ tại nơi người đó làm việc, học tập.

Sự không thống nhất giữa các quy định của LTHAHS với quy định trong BLHS dẫn tới việc giao người bị phạt cải tạo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập quản lý rất khó thực hiện trên thực tế mặc dù có thể nơi đó có điều kiện quản lý, giám sát tốt hơn đối tượng này hoặc là nơi mà tạo điều kiện cho người đó có thu nhập để thực hiện nghĩa vụ khấu trừ một phần thu nhập vì nếu nơi cư trú và nơi làm việc cách xa nhau thì người đó có thể sẽ mất việc làm dẫn tới không có thu nhập.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhấtcần quy định về các trường hợp đặc biệt có thể được miễn việc khấu trừ thu nhập theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLHS. Nghĩa vụ khấu trừ thu nhập là một trong những điểm riêng biệt của hình phạt cải tạo không giam giữ mà cũng là một trong các nghĩa vụ mà người bị kết án phải thực hiện với nhà nước. Nếu mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ để thay thế cho nghĩa vụ khấu trừ thu nhập. Vì vậy, nếu tùy tiện trong việc miễn việc khấu trừ thu nhập sẽ không đảm bảo được các mục đích của hình phạt cải tạo không giam giữ. Mặt khác, BLHS đã sử dụng từ “các trường hợp đặc biệt” tức là việc miễn trừ thu nhập được áp dụng với số ít người phạm tội. Do vậy, cần quy định rõ các trường hợp đặc biệt được miễn trừ thu nhập.

Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện "nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội" quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS. Việc có hướng dẫn cụ thể về điều kiện để áp dụng hình phạt này sẽ hạn chế việc áp dụng khấu trừ thu nhập một cách tùy nghi, cảm tính của HĐXX đồng thời đảm bảo công bằng cho người chấp hành án cũng như đảm bảo nghĩa vụ của người phạm tội đối với ngân sách nhà nước.

Thứ ba, cần có hướng dẫn các quy định của pháp luật về cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát và giáo dục người bị phạt cải tạo không giam giữ, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận người bị phạt cải tạo không giam giữ tại nơi làm việc, học tập ổn định góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác thi hành án đồng thời tạo điều kiện cho đối tượng này thực hiện tốt nghĩa vụ phải chấp hành.

NGUYỄN HỮU ĐỨC (Tòa án quân sự khu vực - Quân khu 1)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1905

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]