1. Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì bắt buộc phải trưng cầu giám định nhằm xác định: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong bắt buộc người làm chứng đi giám định pháp y tâm thần. Ví dụ: Bà H là nhân chứng trong vụ án “trộm cắp tài sản” xảy ra năm 2017. Cụ thể, chiều ngày 16.6.2017, công chứng viên Nguyễn Quang Th (Văn phòng công chứng quận Q) đến gia đình bà H để làm thủ tục công chứng mua bán một mảnh đất tại huyện B.C với giá 3 tỉ đồng. Tại đây, người mua đất là ông Lương Văn K trả trước cho bà H 2,5 tỉ đồng. Đến 21 giờ cùng ngày, người nhà bà H thấy ông Th cầm bọc ni lông vội vã đi ra từ nhà bà H nên cho người kiểm tra két sắt và phát hiện mất 1,5 tỉ đồng. Sau đó, ông Th đã khai nhận và giao nộp toàn bộ tiền lấy trộm…Ngày 27.11.2018, ông Nguyễn M, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.H ra Quyết định dẫn giải người làm chứng (bà H) có nêu: “Căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 19.7.2018; quyết định ngày 25.9.2018 về việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần của Cơ quan CSĐT Công an TP.H…, xét thấy cần thiết cho việc tổ chức giám định tâm thần, dẫn giải bà Trần Thị Mỹ H đến Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.H để thực hiện việc giám định tâm thần”.
Thực hiện quyết định trên, ngày 28.11.2018, điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP phối hợp công an, chính quyền địa phương đến nhà bà H, yêu cầu dẫn giải bà H đi giám định tâm thần nhưng bị người nhà của bà phản đối quyết liệt nên việc dẫn giải bị tạm hoãn.
Như vậy, vấn đề dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần có đúng theo quy định của pháp luật?
Tác giả cho rằng, tại điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS quy định việc dẫn giải người làm chứng khi “người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Vì vậy, cơ quan điều tra chỉ được dẫn giải người làm chứng trong trường hợp người này đã được cơ quan điều tra triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố. Nguyên tắc nghiêm ngặt của BLTTHS là chỉ cho phép làm những gì luật quy định. Trong khi đó, BLTTHS chỉ quy định điều kiện, thủ tục dẫn giải nhân chứng lên làm việc, lấy lời khai; quy định về trường hợp trưng cầu giám định tâm thần người làm chứng, không có quy định nào về việc dẫn giải nhân chứng đi thực hiện giám định tâm thần. Việc dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần là không đúng quy định tố tụng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân của người làm chứng. Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, nếu cơ quan điều tra cho rằng bà H có dấu hiệu tâm thần thì phải thuyết phục chứ không phải dẫn giải vì luật không quy định được phép dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần. Như vậy, việc cơ quan điều tra ra quyết định dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần là không đúng theo quy định của pháp luật nên việc bắt buộc người làm chứng thực hiện việc giám định pháp y tâm thần của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tế gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, cần phải rà soát, kiểm sát chặt chẽ hồ sơ bệnh án tâm thần
Ví dụ vụ án: Vào tháng 6/2018, Lê Thanh T (SN 1986, thường trú ở phường Cầu Dền, quận H, thành phố N) đối tượng cầm đầu ổ nhóm gây ra vụ án “Cố ý gây thương tích” có tính chất côn đồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau, bị bắt. Ngay sau khi bị bắt, T đã xuất trình bệnh án tâm thần. Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan điều tra kết luận bệnh án tâm thần của T là giả. Theo lời khai của T, chỉ với số tiền 85 triệu đồng, T đã có hồ sơ bệnh án với kết luận bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần T rà soát trong số 94 hồ sơ của bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện có 78 hồ sơ được làm giả, trong đó có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố N đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Thân Thái Ph, Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và đối tượng Nguyễn Tuấn S, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần T để điều tra, xử lý đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần giả.…
Theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nên khi có bệnh án tâm thần đem đến nhiều thuận lợi cho các đối tượng phạm tội:
+ Đối tượng phạm tội có thể thoát án tử hình: Khi xác định đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần (không phải chịu TNHS); hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội giết người,… nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì thường được Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình.
+ Đối tượng phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù: Khi đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Khoản 3 Điều 49 BLHS 2015 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Vì vậy, khi có điều kiện thuận lợi, các đối tượng sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để “chạy” có được hồ sơ bệnh án tâm thần, nhằm mục đích được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc thoát tội…
Thứ ba, trong cùng một kết quả giám định nhưng cách hiểu, vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng
Điển hình như vụ Nguyên Văn K phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Trong quá trình điều tra, nhận thấy K có những biểu hiện bất thường về tâm lý, hành vi nên quyết định trưng cầu giám định tình trạng tâm thần. Kết quả giám định pháp y K bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh tâm thần nhưng không đưa ra kết luận về năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với K.
Sau thời gian điều trị bệnh bắt buộc, theo thông báo của Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía nam thông báo thì tình trạng bệnh của Nguyễn Văn K đã ổn định, không cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nữa và đề nghị trưng cầu giám định lại sau thời gian bắt buộc chữa bệnh. Trên cơ sở trưng cầu của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C, Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía nam kết luận tình trạng tâm thần của Nguyễn Văn K bị bệnh loạn thần không xác định. Hiện tình trạng bệnh đã ổn định không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Đồng thời đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều trị bệnh bắt buộc và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra đến đón K về để tiếp tục quá trình tố tụng của vụ án.
Sau đó vụ án được phục hồi điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, khi vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng kết luận giám định về tình trạng tâm thần của Nguyễn Văn K sau thời gian bắt buộc chữa bệnh như vậy là không đủ căn cứ để xem xét việc K có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. Bởi vì kết luận giám định chỉ nêu hiện tại bệnh tâm thần của K đã ổn định chứ không kết luận về năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên không có căn cứ để giải quyết vụ án. Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã có công văn đề nghị Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía nam giải thích với kết luận giám định trên thì Nguyễn Văn K có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. Nhưng Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía nam cho rằng đó là một nội dung yêu cầu giám định nên cần trưng cầu giám định bổ sung mới có thể trả lời chính xác được. Từ đó tòa án cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm đối với vụ án trên giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Như vậy, cùng một nội dung kết luận giám định nhưng lại có những cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị
Một là, để thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 206 BLTTHS. Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS về áp giải, dẫn giải như sau…“a. Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; hoặc bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 206 BLTTHS”.
Đồng thời, bị hại, người làm chứng từ chối giám định nếu không có lý do chính đáng phải được xem là hành vi cản trở hoạt động của tố tụng hình sự. Vì vậy, đề nghị bổ sung khoản 13 vào Điều 466 BLTTHS năm 2015:“Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng…13.Bị hại, người làm chứng từ chối giám định thương tích theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
Hai là, hiện nay vẫn có trường hợp "chạy" bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự, trong quy trình nghiêm ngặt như hiện nay vẫn còn những kẽ hở để cho những đối tượng lợi dụng để thực hiện mục đích xấu. Vì vậy, tác giả cho rằng vấn đề y đức của các y bác sĩ, cũng như người có thẩm quyền trong giám định pháp y tâm thần cần phải được quan tâm đặt lên hàng đầu. Giám định viên pháp y tâm thần ngoài việc có trình độ chuyên môn sâu, có nghiệp vụ giám định tư pháp phải có bản lĩnh để đối diện trực tiếp với đối tượng giám định vừa là tội phạm vừa là người nghi ngờ có rối loạn hoạt động tâm thần, đối tượng thường có hành vi nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của giám định viên và nhân viên y tế. Đặc biệt là phải có bản lĩnh vững vàng để vượt qua sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền… Đồng thời, để xóa bỏ tình trạng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần, ngành Y tế cần chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cần thiết phải thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra, giám sát định kỳ cũng như đột xuất trong và ngoài bệnh viện; thành lập đoàn kiểm tra chéo giữa các bệnh viện với nhau để đảm bảo sự chính xác của công tác chuyên môn.
Ba là, cần kiểm sát chặt chẽ nội dung của các quyết định trưng cầu giám định, thời hạn giám định theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Giám định tư pháp và khoản 2 Điều 205, Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó cần chú trọng đến hai nội dung cốt lõi là nội dung yêu cầu giám định và việc ấn định thời hạn thực hiện giám định của cơ quan ban hành có đúng với quy định của pháp luật hay không. Tránh trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp, yêu cầu chung chung và kết luận giám định chưa cụ thể, rõ ràng gây cách hiểu và áp dụng không thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trên đây, là ý kiến của tác giả, rất mong được sự quan tâm thảo luận của các đọc giả