25/03/2021 11:42

Một số bất cập về quyền kháng cáo của bị cáo và người bào chữa

Một số bất cập về quyền kháng cáo của bị cáo và người bào chữa

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đây là cấp xét xử thứ hai cũng là cấp xét xử cuối cùng theo quy định của pháp luật tố tụng. Cơ sở để phát sinh giai đoạn xét xử phúc thẩm là phải có kháng cáo hoặc kháng nghị của những chủ thể có thẩm quyền. Về thẩm quyền kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế thi hành các quy định này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định và những vướng mắc về thẩm quyền kháng cáo của bị cáo và người bào chữa.

Một số bất cập về quyền kháng cáo bản án sơ thẩm

Điều 331 BLTTHS 2015 quy định về những chủ thể có quyền kháng cáo:

“1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2.Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

...

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội".

Thứ nhất, bị cáo và người đại diện có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm. Bị cáo là chủ thể bị buộc tội phải chấp hành hình phạt và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này, pháp luật đã quy định quyền kháng cáo và phạm vi kháng cáo rất rộng cho bị cáo và người đại diện của họ. Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định chỉ có người đại diện theo pháp luật của bị cáo mới có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật Dân sự và quyền kháng cáo của người đại diện là quyền kháng cáo độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo.

Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định họ không có tội. Đây là quyền của bị cáo được Tòa án tuyên không có tội thực hiện nhằm khôi phục lại danh dự chứng minh cho sự trong sạch của mình. Ví dụ: Nguyễn Văn A được Tòa án tuyên không có tội do hành vi của Nguyễn Văn A không cấu thành tội phạm. Tức là Tòa án vẫn nhận định A có thực hiện hành vi nhưng còn thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm hành vi của A được xem là không có tội.Tuy nhiên, A cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội nên kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại chứng minh cho sự trong sạch của mình.

Về quy định này còn bộc lộ một số bất cập. Đó là trong trường hợp, A chỉ được kháng cáo phần căn cứ mà Tòa án tuyên họ không có tội mà không có quyền kháng cáo các phần khác của bản án sơ thẩm là chưa bảo vệ được tối đa quyền lợi cho người bị buộc tội. Ví dụ A bị VKS truy tố về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015, tuy nhiên HĐXX sơ thẩm nhận thấy hành vi của A không cấu thành tội phạm do giá trị tài sản mà A hủy hoại của người khác chưa đến mức cấu thành tội phạm và tuyên A không phạm tội và buộc A phải bồi thường phần tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, A cho rằng mình không có hành vi phạm tội và tất nhiên là không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì A không có quyền kháng cáo phần bồi thường thiệt hại mà chỉ có quyền kháng cáo phần căn cứ mà Tòa án tuyên A không có tội là chưa bảo đảm quyền kháng cáo và bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị buộc tội.

Thứ hai, về quyền kháng cáo của người bào chữa. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa. Đây là quyền kháng cáo độc lập không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo và người đại diện. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Hơn nữa những đối tượng này là những đối tượng chưa rõ các quy định của pháp luật nên khó có thể phát hiện ra các sai sót trong bản án sơ thẩm để thực hiện quyền kháng cáo của mình. Tuy nhiên, nếu người bào chữa của bị cáo độc lập thực hiện quyền kháng cáo và kháng cáo của người bào chữa không được chấp nhận thì nghĩa vụ chịu án phí lại không thuộc về người bào chữa theo quy định tại Điều 11 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Theo quy định này thì người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thuộc đối tượng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.

Như chúng ta đã biết kháng cáo, kháng nghị là cơ sở để phát sinh giai đoạn xét xử phúc thẩm. Và cũng chính vì có kháng cáo, kháng nghị mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải hoạt động để giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Nếu như kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận thì những chủ thể kháng cáo, kháng nghị phải chịu án phí mới phù hợp. Tuy nhiên, theo Điều 23 của Nghị quyết 326 thì trường hợp này bị cáo phải chịu án phí theo tác giả là chưa hợp lý.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Một là: hiện nay BLTTHS 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn về phần xét xử phúc thẩm nên các cơ quan áp dụng pháp luật vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết 05/2005 hướng dẫn phần xét xử phúc thẩm cho BLTTHS 2003. Mặt khác giữa Nghị quyết 05/2005 và BLTTHS 2015 vẫn có quy định chưa thống nhất về chủ thể có quyền kháng cáo cũng như phạm vi kháng cáo dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan áp dụng pháp luật cũng như làm cho những chủ thể có quyền kháng cáo không nắm chắc được quy định của pháp luật về phạm vi kháng cáo của họ.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 331 BLTTHS 2015 theo hướng bổ sung quyền kháng cáo cho người bị Tòa án tuyên không có tội ngoài kháng cáo phần căn cứ tuyên là không có tội thì nên bổ sung cho chủ thể này kháng cáo những phần khác của bản án liên quan đến họ

Theo tác giả nên sửa lại khoản 6 Điều 331 BLTTHS 2015 theo hướng như sau:

“Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội và những phần khác của bản án liên quan đến họ”.

Và nên có văn bản giải thích phần bản án liên quan đến những chủ thể này bao gồm: Phần bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng...

Thứ ba, sửa đổi Điều 11 và Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thuộc về những chủ thể đã kháng cáo, kháng nghị độc lập.

HOÀNG ĐÌNH DŨNG

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Nguồn: Luật sư Việt Nam

2768

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]