10/08/2020 08:51

Một số bất cập của Điều 260 BLHS năm 2015

Một số bất cập của Điều 260 BLHS năm 2015

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông. Tuy nhiên bên cạnh những thay đổi tích cực so với Điều 202 BLHS năm 1999 thì Điều 260 BLHS năm 2015 lại có những bất cập, gây khó khăn khi xử lý, giải quyết các vụ án gây tai nạn giao thông.

Nồng độ cồn vượt quá mức quy định?

Điểm b khoản 2 Điều 260 có quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Như vậy, “nồng độ cồn vượt quá mức quy định” được hiểu như thế nào?

Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 quy định: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:

a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Trong khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ cần trong máu có nồng độ cồn là đã bị xử phạt vi phạm hành chính và quy định các mức phạt tương ứng với nồng độ cồn khác nhau.

Như vậy, nếu quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS thì sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Lúc này, ta căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư liên tịch (hướng dẫn cho BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực) hay là Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Vì vậy, điểm b khoản 2 Điều 260 nên sửa lại thành: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”.

Bất cập khi căn cứ vào hậu quả

Kế thừa Điều 202 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, Điều 260 BLHS năm 2015 đã liệt kê cụ thể các tình tiết định tội và định khung hình phạt thành các điểm, khoản tương ứng. Tuy nhiên việc quy định như vậy theo quan điểm cá nhân vẫn còn một số thiếu sót.

VD1: Ngày 01/01/2020 A lái xe ô tô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm 01 chết, 01 người tổn hại 60 % sức khỏe và 01 người tổn hại 61% sức khỏe (tổng tỷ lệ tổn thương của 02 người này là 120 %). Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015.

Khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

VD2: Ngày 01/01/2020 B lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm 01 người tổn hại 62 % sức khỏe và 01 người tổn hại 61% sức khỏe (tổng tỷ lệ tổn thương của 02 người này là 123 %). Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% tương ứng mới mức hình phạt tù là từ 02 năm đến 07 năm.

Từ  2 ví dụ trên ta thấy hậu quả do hành vi của A gây ra lớn hơn hậu quả do hành vi của B gây ra nhưng trách nhiệm hình sự của A lại nhẹ hơn trách hình sự của B. Đây là một bất cập của Điều 260 BLHS 2015.

VD3: Ngày 01/01/2020 C lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm 02 người chết, 01 người tổn hại 85 % sức khỏe và 01 người tổn hại 90% sức khỏe (tổng tỷ lệ tổn thương của 02 người này là 175 %). Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

VD4: Ngày 01/01/2020 D lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều gây thương tích cho 03 người (tổng tỷ lệ tổn thương của 03 người này là 201 %). Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015.

Từ  hai ví dụ trên ta thấy hậu quả do hành vi của C gây ra lớn hơn hậu quả do hành vi của D gây ra nhưng trách nhiệm hình sự của C lại nhẹ hơn trách hình sự của D. Đây cũng là một bất cập của Điều 260 BLHS 2015.

Từ những bất cập nêu trên, đề xuất sửa khoản 2 và khoản 3 lại như sau:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

i) Từ 02 trường hợp trở lên được quy định tại a,b,c,d khoản 1 điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

đ) Từ 02 trường hợp trở lên được quy định tại đ, e, g khoản 2 điều này.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn áp dụng Điều 260 BLHS 2015, để việc áp dụng điều luật thật sự chính xác và hiệu quả thì rất cần sự quan tâm của các cơ quan liên ngành Trung ương, để sớm ban hành hướng dẫn thống nhất trong áp dụng. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn mới đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn trật tự xã hội, an toàn giao thông.

Nguồn: Tạo chí Tòa án

10768

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]