Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
…
Điều 9. Đăng ký kết hôn
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
…
Do đó, để được công nhận là vợ chồng thì hai bên nam nữ phải cùng tự nguyện ký vào giấy chứng nhận kết hôn (hay còn gọi là giấy đăng ký kết hôn) khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện mà luật quy định, đồng thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận
Theo đó, căn cứ vào Điều 18 Luật Hộ tịch 2014, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thì hai bên nam nữ phải cùng có mặt và nộp tờ khai đăng ký kết hôn. Nếu xét thấy hai bên đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ
Sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn thì hai bên nam, nữ đã chính thức được công nhận là vợ chồng hợp pháp dù đã làm đám cưới hay chưa.
Khi quan hệ hôn nhân đã được pháp luật công nhận, tức là quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng đã được xác lập thì nếu muốn hủy việc kết hôn này, vợ chồng phải thực hiện thủ tục ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đã đăng ký kết hôn nhưng vẫn có thể hủy nếu như bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật (Quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Căn cứ vào Mục 1 Chương III Luật Hôn nhân gia đình 2014, vợ chồng có các quyền và nghĩa vụ về nhân nhân bao gồm:
(1) Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các luật khác có liên quan.
(2) Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng
Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
(3) Tình nghĩa vợ chồng
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
(4) Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng
Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
(5) Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.
(6) Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
(7) Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.