25/07/2022 08:47

Miễn trách nhiệm hình sự - Bất cập và kiến nghị, đề xuất

Miễn trách nhiệm hình sự - Bất cập và kiến nghị, đề xuất

Trong pháp luật hình sự Việt Nam, miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những chế định quan trọng, có nội dung khoan hồng ở mức cao nhất đối với người phạm tội. Tuy nhiên đi sâu vào nghiên cứu, ta thấy biện pháp miễn TNHS còn nhiều điểm chưa hợp lý về cả lý luận, pháp lý và thực tiễn áp dụng.

Biện pháp miễn TNHS đã được quy định chính thức trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, hoàn chỉnh hơn trong BLHS năm 1999 và tiếp tục được hoàn thiện trong BLHS năm 2015. Tuy nhiên đi sâu vào nghiên cứu, ta thấy biện pháp miễn TNHS còn nhiều điểm chưa hợp lý về cả lý luận, pháp lý và thực tiễn áp dụng. Khái niệm miễn TNHS là như thế nào, hậu quả pháp lý khi áp dụng nó ra sao? Điều kiện áp dụng các trường hợp miễn TNHS còn một số điểm chưa rõ ràng, không được hướng dẫn cụ thể nên việc áp dụng pháp luật của các cơ quan thẩm quyền gặp nhiều khó khăn và không thống nhất dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Do những hạn chế đó dẫn đến việc áp dụng biện pháp miễn TNHS chưa đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phải có những giải pháp kịp thời nhằm góp phần hoàn thiện hơn những quy định của pháp luật về miễn TNHS.

1. Thực tiễn áp dụng biện pháp miễn TNHS

Thứ nhất, trong thực tế các cơ quan có thẩm quyền rất ít áp dụng biện pháp miễn TNHS. Bởi vì miễn TNHS cho một người thì hậu quả pháp lý kèm theo là người đó không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và không được coi là có án tích; nếu áp dụng không chính xác có thể dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Từ đó dẫn đến tâm lý ngại áp dụng biện pháp miễn TNHS trong các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, có sự nhầm lẫn về bản chất và điều kiện để miễn TNHS với các trường hợp không phạm tội. Trong thực tiễn, có trường hợp hành vi của một người không cấu thành tội phạm hoặc không phạm tội nhưng khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ lại đưa ra căn cứ là miễn TNHS cho người phạm tội. Việc này không chỉ là sự lạm dụng miễn TNHS để né tránh trách nhiệm của cơ quan chức năng mà nó còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người không phạm tội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Ví dụ: Vụ án ở vũ trường New Century ngày 28/04/2007: Phùng Lam S, Trần Quốc M và Bùi Quốc P bị khởi tố về hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, sau đó cả ba bị can được miễn TNHS do chưa đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội và đình chỉ điều tra vào ngày 29/12/2008. Trong trường hợp này đã có sự sai lầm của CQĐT trong việc xác định lý do đình chỉ điều tra. Lẽ ra CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra theo căn cứ theo Điều 107 BLTTHS năm 2003 mới hợp lý. Cụ thể là căn cứ “Không có sự việc phạm tội” (khoản 1 Điều 107 BLTTHS năm 2003) hoặc “Hành vi không đủ cấu thành tội phạm” (khoản 2 Điều 107 BLTTHS năm 2003).

Thứ ba, vấn đề áp dụng miễn TNHS trong trường hợp người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 BLHS năm 2015) gặp khó khăn trong việc xác định điều kiện tự nguyện, dứt khoát chấm dứt việc phạm tội mà không có gì ngăn cản với trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 BLHS. Bởi yếu tố tự nguyện chấm dứt ở đây là do chính động lực bên trong của người phạm tội thúc đẩy, không biểu hiện ra ngoài nên rất khó để xác định.

Bên cạnh đó, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể các trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với vụ án có đồng phạm. Trong thực tiễn một số vụ án có đồng phạm, đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý từ bỏ ý định phạm tội sẽ không được miễn TNHS nếu họ đã không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm hoặc trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện và điều tra tội phạm, không cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Ví dụ: A và B rủ nhau đi trộm cắp, theo phân công A vào nhà để trộm, B đứng bên ngoài để canh gác. Trong lúc A lẻn vào nhà thì B bỏ về vì sợ và không muốn phạm tội nữa; A vẫn tiếp tục đi trộm cắp tài sản. Trong trường hợp này nếu B có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì B mới có thể được miễn TNHS theo Điều 29 BLHS 2015. Nhưng nếu B bỏ về mà không có tác động gì khác để ngăn chặn được A thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì B có thể vẫn phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản.

Thực tế nếu người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm, nhưng họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 BLHS 2015, nếu họ không tố giác tội phạm do người đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ (lưu ý người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm như khuyên bảo, ngăn chặn đe dọa báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được miễn TNHS).

Thứ tư, đối với trường hợp miễn TNHS quy định ở khoản 2 Điều 29 BLHS thì để được xem xét miễn TNHS thì người phạm tội phải có đủ các điều kiện là: Tự thú trước khi bị phát giác, khai rõ sự việc, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm… Tuy nhiên trong thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng miễn TNHS cho người phạm tội theo khoản 2 Điều 29 BLHS khi người phạm tội không có đủ điều kiện như trên.

Cụ thể là vụ án làm thất thoát tiền của Nhà nước trong vụ đấu giá 323 ha cao su tại tỉnh Bình Phước. VKSND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can, miễn TNHS đối với ba cán bộ bị Công an tỉnh khởi tố vào tháng 9/2012 về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS năm 1999) do các cán bộ trên đã khắc phục hậu quả, có quá trình dài đóng góp cho tỉnh. Như vậy, trong vụ án này, điều kiện miễn TNHS cho các bị can là do họ đã khắc phục hậu quả, có quá trình cống hiến. Người phạm tội không có hành vi tự thú, chỉ đến khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra mới phát hiện ra vi phạm. Như vậy, việc miễn TNHS của cơ quan tiến hành tố tụng ở đây không đúng với hành vi của đối tượng, không đủ điều kiện theo luật định.

Thứ năm, có những vụ án mà người phạm tội chỉ có tình tiết để xem xét giảm nhẹ TNHS nhưng cơ quan có thẩm quyền lại miễn TNHS cho họ theo căn cứ tại khoản 3 Điều 29 BLHS.

Điển hình là vụ án tai nạn giao thông ở Thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng, ông Mai Nam D gây tai nạn giao thông trong tình trạng uống nhiều rượu bia làm chết một người, làm bị thương ba người. Đáng lẽ ra ông D phải chịu TNHS về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260 BLHS) nhưng VKS Đà Lạt lại ra quyết định miễn TNHS do ông D tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường cho các nạn nhân hơn 1 tỷ đồng và được người bị hại bãi nại. Đây là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì dù người bị hại không yêu cầu khởi tố thì vẫn bị truy cứu TNHS theo pháp luật. Vấn đề tích cực bồi thường thiệt hại và người bị hại bãi nại chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS chứ không phải là điều kiện để miễn TNHS.

Thứ sáu, BLHS cũng như BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cũng như thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội. Điều này ảnh hưởng đến việc thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể:

Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra và Điều 248 BLTTHS về đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, xác định Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS hoặc khoản 2 Điều 155 BLTTHS. Nếu căn cứ vào quy định này, có thể khẳng định việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Nhưng theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS quy định rất rõ là “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử” có nghĩa là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền đương nhiên miễn hoặc có thể miễn TNHS cho người phạm tội.

Đối với Điều 16; điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 29; khoản 2 Điều 91; khoản 4 Điều 110; khoản 4 Điều 247; khoản 7 Điều 364; khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS không thể hiện rõ là các cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn nào có thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội.

Thứ bảy, thỏa thuận miễn TNHS là một quy định pháp lý hình sự không mới ở nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này lần đầu tiên được ghi nhận tại khoản 3 Điều 29 BLHS. Mặc dù là một quy định mới, tuy nhiên quy định miễn TNHS khi các bên tự nguyện hòa giải đã cho thấy tính thiết thực và đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong quá trình áp dụng vào trong thực tiễn. Trước thực tế đòi hỏi việc áp dụng quy định này một cách phổ biến, thường xuyên mà hiện tại quy định này lại chưa được hướng dẫn một cách chi tiết từ phía cơ quan có thẩm quyền; việc áp dụng phần lớn vẫn dựa trên nền tảng giải thích pháp luật trước đó, chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm của chủ thể áp dụng pháp luật, mà chưa có bất kỳ hướng dẫn trực tiếp, cụ thể nào từ cơ quan có thẩm quyền nên việc áp dụng còn nhiều bất cập và chưa được thống nhất.

2. Kiến nghị hoàn thiện biện pháp miễn TNHS

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự hiện hành và thực tiễn áp dụng biện pháp miễn TNHS, nhận thấy còn một số vướng mắc về lý luận lẫn thực tiễn, tôi xin đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Một là, cần tạo một hành lang pháp lý vững chắc về chế định miễn TNHS để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng một cách chặt chẽ và hiệu quả chế định này.

Được ghi nhận là một chế định độc lập trong BLHS từ BLHS năm 1985 đến nay, tuy nhiên BLHS chưa đưa ra khái niệm miễn TNHS là gì? Hậu quả pháp lý của miễn TNHS ra sao? Chính vì lẽ đó dẫn đến hiện nay khái niệm miễn TNHS không thống nhất còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau và dễ nhầm lẫn với các khái niệm khác. Các nhà làm luật nên quy định khái niệm miễn TNHS như sau: “Miễn TNHS là một chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và điều kiện luật định”.

Bên cạnh đó, vấn đề hậu quả pháp lý của miễn TNHS có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người phạm tội nhưng cũng chưa được ghi nhận một cách chính thức trong BLHS. Cần có quy định rõ ràng “Người được miễn TNHS đương nhiên được miễn các hậu quả pháp lý hình sự thuộc nội dung của TNHS bao gồm hình phạt, biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và án tích”.

Ngoài ra, một trong những mục đích của biện pháp miễn TNHS là không cách ly người phạm tội với xã hội, lấy môi trường sống là nơi cải tạo, giáo dục họ tạo điều kiện cho họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy để nâng cao hiệu quả giáo dục cải tạo, ngăn ngừa người được miễn quay lại con đường tội lỗi thì cần sự tham gia của quần chúng nhân dân, cơ quan, tổ chức, và đặc biệt là gia đình trong việc giám sát và giúp người phạm tội hòa nhập cộng đồng, học tập, lao động để trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, BLHS hiện hành nên bổ sung: “Người phạm tội được miễn TNHS phải chịu sự giám sát của gia đình, địa phương nơi họ sinh sống hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc trong thời gian luật định”.

Hai là, vấn đề về thẩm quyền áp dụng biện pháp miễn TNHS quy định tại Điều 29 BLHS cũng là một vấn đề quan trọng, cần có quy định cụ thể.

Để đảm bảo việc thực hiện chế định miễn TNHS đối với người phạm tội được thuận lợi và cụ thể, cần phải thể hiện rõ theo hướng trường hợp nào việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của CQĐT, VKS và Tòa án; trường hợp nào chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Cụ thể Điều 29 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 29: Miễn trách nhiệm hình sự

1. Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự đương nhiên được miễn hậu quả pháp lý hình sự về tội đã phạm bao gồm hình phạt, biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và án tích. Người phạm tội được miễn TNHS phải chịu sự giám sát của gia đình, địa phương nơi họ sinh sống hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc.

2. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá;

c) Người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội;

d) Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố.

Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

3. Khi tiến hành xét xử có một trong các căn cứ sau đây, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự:

a) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;

b) Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

 BÙI VIẾT VINH (Toà án Quân khu 5)

Nguồn: Tạp chí Toà án

2481

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]