06/11/2023 19:30

Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp nào?

Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp nào?

Tôi muốn hỏi miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp nào?_Giai Huynh(Lạng Sơn)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp nào?

Theo Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:

- Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

- Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Đồng thời, theo Điều 237 Luật Thương mại 2005 quy định ngoài các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như trên thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau:

- Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

- Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

- Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;

- Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;

- Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;

- Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn 09 tháng, kể từ ngày giao hàng.

Lưu ý: Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.

Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được miễn trách nhiệm đối với việc mất lợi nhuận của khách hàng, chậm trễ hay sai sót trong dịch vụ nếu không phải do lỗi của họ.

Xem thêm: Logistics là gì? Có bao nhiêu loại hình logistics hiện nay?

2. Trường hợp không có thỏa thuận giới hạn trách nhiệm bồi thường giá trị hàng hóa giải quyết thế nào?

Theo Điều 5 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định giới hạn trách nhiệm giữa thương nhân và khách hàng như sau:

“1. Giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định này.

Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận...”

Theo đó, trường hợp các bên không có thoả thuận thì thực hiện như sau:

- Trường hợp khách hàng không thông báo giá trị hàng hóa trước cho doanh nghiệp logistics, khi xảy ra thiệt hại, mức bồi thường tối đa mà doanh nghiệp logistics phải chịu là 500 triệu đồng cho mỗi yêu cầu bồi thường của khách hàng.

- Trường hợp khách hàng có thông báo giá trị hàng hóa và được doanh nghiệp logistics xác nhận, thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics sẽ không vượt quá mức giá trị của hàng hóa đã được thông báo và xác nhận đó.

Lưu ý: Giới hạn trách nhiệm đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.

Như vậy, việc thông báo và xác nhận giá trị hàng hóa trước cho doanh nghiệp logistics sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm và giới hạn bồi thường khi xảy ra rủi ro. Điều này bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.

Hứa Lê Huy
2685

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn