02/04/2024 18:21

Mẫu xác nhận lương để vay vốn ngân hàng năm 2024

Mẫu xác nhận lương để vay vốn ngân hàng năm 2024

Tôi muốn vay vốn ngân hàng nhưng phải có giấy tờ chính minh về tài chính, cụ thể là mẫu xác nhận lương. Tôi muốn hỏi rằng mẫu xác nhận lương được ghi như thế nào? (Văn Quốc - TP.HCM)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hồ sơ, giấy tờ để vay vốn các ngân hàng

Mỗi ngân hàng sẽ tự quy định về hồ sơ, giấy tờ để khách hàng vay vốn. Thông thường, các ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ cơ bản sau để thực hiện việc vay vốn, bao gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn ngân hàng (theo mẫu riêng của mỗi ngân hàng);

- Bản photo chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực của người đi vay và của vợ (chồng) người đi vay nếu đã kết hôn;

- Sổ hộ khẩu, xác nhận thường trú/thường trú;

- Giấy tờ chứng minh thu nhập từ lương như hợp đồng lao động, quyết định biên chế còn thời hạn, quyết định công tác, sao kê bảng lương hoặc mẫu xác nhận lương trong 3 - 6 tháng gần nhất.

2. Mẫu xác nhận lương để vay vốn ngân hàng năm 2024

Giấy xác nhận lương là loại giấy tờ dùng để xác định mức thu nhập thực tế, mức lương hàng tháng mà người lao động nhận được khi làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Dưới đây, là mẫu xác nhận lương để vay vốn ngân hàng mà anh có thể tham khảo qua:

Tải mẫu xác nhận lương tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-xac-nhan-luong.docx

3. Cá nhân được vay tín chấp bằng những hình thức nào?

Dựa vào nhu cầu vay và sử dụng vốn của cá nhân vay tín chấp, cá nhân có thể lựa chọn hình thức vay vốn tiêu dùng hoặc vay trả góp.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định như sau:

(1) Cho vay tiêu dùng:

Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).

Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

- Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ quy định trên bao gồm:

+ Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình;

+ Chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao

+ Chi phí sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau đây:

- Cho vay từng lần:

Mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

- Cho vay theo hạn mức:

Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần. Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng

(2) Cho vay trả góp:

Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.

Khi lựa chọn hình thức vay trả góp, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cần phải cân nhắc xem xét về khả năng thanh toán nợ của mình; lãi suất vay; tổ chức cho vay; hợp đồng vay trả góp; kỳ thanh toán,.. để đảm bảo quyền lợi cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
3822

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn