1. Lối đi chung là gì? Quy định của pháp luật về lối đi chung
Hiện nay, không có quy định nào để giải thích về khái niệm lối đi chung, trên thực tế, lối đi chung có thể hiểu là phần diện tích đất chung mà người dân đi lại và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Lối đi chung có thể mở từ đất sử dụng làm đường thuộc quyền quản lý của Nhà nước, được hình thành từ lối mòn mà người dân thường xuyên đi lại, hoặc có thể được tạo từ một phần đất của chủ sở hữu trích ra để đáp ứng việc đi lại công cộng, người dân thuộc nơi ở xung quanh.
Hầu hết, lối đi chung được các bên thỏa thuận với nhau, đối với việc người chủ của bất động sản đó bị bao vây và thỏa thuận với chủ sở hữu khác của bất động sản bao vây về việc mở lối đi chung ra đường cộng đồng như sau:
Căn cứ tại Điều 254 Bộ luật Dân sư 2015 có quy định về quyền về lối đi qua:
- Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
- Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Như vậy, quyền về lối đi qua bất động sản liền kề chỉ được áp dụng khi bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác và không có lối nào để đi ra đường công cộng.
Đồng thời, khi mở lối đi chung phải đáp ứng các điều kiện về vị trí, giới hạn, chiều rộng, chiều dài, chiều cao của lối đi do các bên tự thoả thuận và bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại, ít gây phiền hà cho các bên liên quan. Trường hợp nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Bên cạnh đó, đối với lối đi chung thuộc quyền quản lý Nhà nước thì sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Đối với các trường hợp khác, để xác định quyền sở hữu lối đi chung, thì cần phải căn cứ vào các giấy tờ như sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bao gồm diện tích lối đi chung theo quy định của Luật Đất đai 2013.
- Giấy tờ chứng minh hoạt động chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho đối với diện tích đất có bao gồm phần diện tích lối đi chung hoặc đối với diện tích đất lối đi chung.
Qua đó, có thể thấy lối đi chung sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ thể có giấy tờ chứng minh rằng, diện tích lối đi chung nằm trong diện tích đất mà mình sở hữu hợp pháp hoặc có giấy tờ pháp lý chứng minh được diện tích đất lối đi chung là do mình sở hữu.
Văn bản thỏa thuận lối đi chung bao gồm các nội dung bao gồm:
- Thông tin của các bên tham gia thảo thuận.
- Nội dung cam đoan của các bên.
- Chữ ký xác nhận của các bên tham gia
Mẫu văn bản thỏa thuận lối đi chung như sau:
Tải Mẫu văn bản thỏa thuận lối đi chung mới nhất hiện nay: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/van-ban-thoa-thuan-loi-di-chung.doc
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Trích dẫn nội dung: "Diện tích đất tranh chấp 79,8m2 thuộc thửa đất số 30, tờ bản đồ số 6 (nay là thửa đất số 20, tờ bản đồ số 1014) tại xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Thửa đất này được Ủy ban nhân dân huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Ung Duy H năm 1996, có nguồn gốc của cha ruột ông Ung Duy H là ông Ung T. Trước năm 1975, ông T cho ông Ung N2 sử dụng làm con đường để làm lối đi vào nhà ở. Sau khi cha mẹ chết, ông H tiếp tục sử dụng thửa đất này. Sau khi ông N2 chết, cha ông L và đến ông L sử dụng nhà đất của ông N2 và lối đi qua thửa đất số 30, tờ bản đồ số 6 để vào nhà. Diện tích đất của lối đi thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông H. Do lối đi nằm giữa thửa đất, ông H yêu cầu ông L chuyển sang lối đi khác qua cuối mảnh vườn nhưng ông L không đồng ý và tranh chấp. Do vậy, ông H khởi kiện yêu cầu ông L trả lại 79,8m2 đất thuộc lối đi và đề nghị ông L chuyển sang lối đi mới có diện tích 64,3m2 thuộc một phần thửa đất của ông H, ở vị trí cuối mảnh vườn."
Kết quả giải quyết: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn Ung Duy H về việc buộc bị đơn U1 trả lại diện tích đất lấn chiếm làm lối đi là 79,8m2 và chuyển sang sử dụng lối đi mới có diện tích 64,3m2 thuộc thửa đất số 30, tờ bản đồ số 6 (nay là thửa đất số 20, tờ bản đồ số 1014), tại xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thị xã P, tỉnh Bình Phước
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Trích dẫn nội dung:"Ông Nguyễn Thái C yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng diện tích đất khoảng 1.200m2, thuộc thửa đất số 86, tờ bản đồ 21 tọa lạc tại khu phố 2, phường L, thị xã P, tỉnh Bình Phước là lối đi chung của ông Nguyễn Thái C và gia đình ông Nguyễn Đông K, bà Dương Thị Ngọc D và công nhận cả hai gia đình đều được sử dụng chung đối với diện tích đất này. Tứ cận: Phía Đông giáp đất ông C, ông K; phía Tây giáp đường suối Minh, phía Bắc giáp đất ông K, phía Nam giáp đất ông C. Tại biên bản lấy lời khai ngày 03/01/2020, ông C yêu cầu Tòa án giải quyết chia đôi diện tích đất tranh chấp ra làm 02 phần, ông C được quản lý, sử dụng ½ thửa đất tranh chấp (khoảng 03m x 200m) để ông C có đất làm đường đi vào xưởng của ông C.."
Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Thái C, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 1.295,1m2 trong tổng diện tích đất 3.706,7m2 thuộc thửa đất (86 cũ) nay là thửa đất số 427, tờ bản đồ số 21.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Trích dẫn nội dung: "Các thửa đất số 1116, 1112, 1004 tờ bản đồ số 1, tọa lạc tại xã Long An, huyện Cần Giuộc, Ông N cất nhà ở đều bị vây bọc bởi các thửa đất khác trong đó có thửa đất số 1235 của ông Huỳnh Văn Th. Ông Huỳnh Văn N yêu cầu ông Huỳnh Văn Th mở lại lối đi có diện tích 42m2, loại đất ở nông thôn thuộc một phần thửa đất số 1235, tờ bản đồ số 1, đất tại ấp 4, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để Ông N sử dụng làm lối đi ra đường công cộng Nguyễn Thị Bài. Thửa đất 1235 có nguồn gốc của ông Huỳnh Văn Tịnh, bà Nguyễn Thị Đường là cha mẹ ruột của Ông N và ông Th. Ông Th cũng thừa nhận nhà của bà Đ trên thửa 1235, khoảng năm 1987 bà Đ có cho Ông N sử dụng một phần đất làm lối đi để đi vào nhà Ông N, sau đó có đổi vị trí lối đi từ bên phải sang bên trái làm lối đi đúng vị trí hiện nay Ông N yêu cầu ông Th dành làm lối đi. Năm 2008, ông Th được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2018 thì ông Th đã rào hai đầu không cho Ông N sử dụng làm lối đi vào nhà Ông N như trước nên Ông N phải đi nhờ trên lối đi của gia đình ông Lang, ông Một để ra đường Nguyễn Thị Bài."
Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Huỳnh Văn N yêu cầu ông Huỳnh Văn Th dành cho ông Huỳnh Văn N phần đất làm lối đi ra đường công cộng.