19/08/2024 15:29

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú để làm hồ sơ nhập học mới nhất 2024

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú để làm hồ sơ nhập học mới nhất 2024

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú để làm hồ sơ nhập học mới nhất hiện nay như thế nào? Quy định về lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học ra sao? Học sinh tiểu học có những quyền gì?

1. Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú để làm hồ sơ nhập học mới nhất 2024

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất hiện nay là Mẫu CT01 được ban hành kèm theo Thông tư 66/2023/TT-BCA (thay thế biểu mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA).

Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú cũng có thể được dùng để làm hồ sơ nhập học cho học sinh, sinh viên. 

Tải Mẫu CT01- Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/mau-CT01-thay-doi-thong-tin-cu-tru.docx

2. Quy định về lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học năm 2024

Căn cứ theo Điều 16 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học năm 2024 như sau:

(1) Lớp học:

- Học sinh được tổ chức theo lớp học. 

+ Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. 

+ Mỗi lớp học hoà nhập có không quá 02 học sinh khuyết tật, trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện thực tế để sắp xếp, bố trí thêm học sinh khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những học sinh khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học tập đều được đi học.

- Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép:

+ Số lượng học sinh và số nhóm trình độ trong một lớp ghép phải phù hợp với năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện thực tế của nhà trường. 

+ Một lớp ghép có không quá 02 nhóm trình độ, trường hợp đặc biệt sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không quá 03 nhóm trình độ. 

+ Một lớp ghép có không quá 15 học sinh.

(2) Tổ chức lớp học:

- Lớp học có lớp trưởng và các lớp phó. 

- Học sinh trong lớp được chia thành các tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó. 

- Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong lớp, trong tổ bầu chọn và luân phiên trong năm học. 

- Hình thức tổ chức lớp học được thực hiện linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.

- Hoạt động của lớp học đảm bảo tính dân chủ, tự quản, hợp tác. 

- Mỗi học sinh được chủ động thảo luận, tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ, nhóm, lớp với sự hỗ trợ của giáo viên.

(3) Khối lớp học: Đối với những lớp cùng trình độ được lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung. Tỉ lệ học sinh nam, nữ và sĩ số lớp học cân đối giữa các lớp trong khối lớp.

(4) Điểm trường: Tùy theo điều kiện ở địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho học sinh đến trường. Hiệu trưởng phân công phó Hiệu trưởng phụ trách điểm trường.

3. Học sinh tiểu học có những quyền gì?

Tại Điều 35 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, học sinh tiểu học có các quyền như sau:

(1) Được học tập

- Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được học ở một trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học thuận tiện đi lại đối với bản thân trên địa bàn cư trú.

- Học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

- Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.

- Học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở một trường tiểu học; được đảm bảo các điều kiện để học tập và rèn luyện; được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh.

- Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban.

 - Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

+ Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

+ Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

+ Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

- Học sinh có kết quả học tập còn hạn chế, đã được giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành, tùy theo mức độ chưa hoàn thành của các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, giáo viên báo cáo hiệu trưởng xem xét quyết định lên lớp hoặc ở lại lớp, đồng thời cùng với gia đình quyết định các biện pháp giáo dục phù hợp.

(2) Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng, dân chủ; được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng; được cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của bản thân; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.

(3) Được tham gia các hoạt động phát huy khả năng của cá nhân; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân.

(4) Được nhận học bổng và được hưởng chính sách xã hội theo quy định.

(5) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
160

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]