18/05/2024 16:53

Mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh mới nhất và hướng dẫn cách ghi

Mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh mới nhất và hướng dẫn cách ghi

Cho tôi hỏi mẫu sổ quỹ tiền mặt đối với hộ kinh doanh được sử dụng hiện nay là mẫu nào? Anh Thanh Quyết (Bình Dương).

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh mới nhất

Sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh là loại sổ hộ, cá nhân kinh doanh mở để theo dõi tình hình thu, chi tồn quỹ tiền mặt bằng tiền Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 26 Luật kế toán 2015 thì sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh phải mở vào đầu kỳ kế toán năm; đối với hộ mới thành lập, sổ quỹ tiền mặt phải mở từ ngày thành lập.

Với mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh sử dụng hiện nay thì theo Thông tư 88/2021/TT-BTC quy định là mẫu số S6-HKD. Cụ thể theo như hình dưới đây:

Tải Mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/so-quy-tien-mat-dung-cho-ho-kinh-doanh.docx

2. Hướng dẫn cách ghi mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh

Về nguyên tắc, sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh phải được ghi kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của sổ. Đồng thời thông tin, số liệu ghi vào sổ phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán.

Chính vì vậy, Ban biên tập xin hướng dẫn cách ghi mẫu sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh để anh và bạn đọc tham khảo thêm như sau:

Hộ kinh doanh căn cứ vào các phiếu thu, phiếu chi đã được thực hiện nhập, xuất quỹ để ghi sổ quỹ tiền mặt. Với đơn vị kế toán thì phải căn cứ vào chứng từ kế toán để ghi vào sổ. Cách ghi cụ thể như sau:

Số tiền mặt dư đầu kỳ (cuối kỳ trước) được ghi vào cột 3.

- Tại cột A: Ghi ngày tháng ghi sổ.

- Tại cột B: Ghi ngày tháng của Phiếu thu, Phiếu chi.

- Tại cột C, D: Ghi số hiệu của Phiếu thu, số hiệu Phiếu chi liên tục từ nhỏ đến lớn theo trình tự thời gian.

- Tại cột E: Ghi nội dung nghiệp vụ kinh tế của Phiếu thu, Phiếu chi.

- Tại cột 1: Là số tiền nhập quỹ.

- Tại cột 2: Là số tiền xuất quỹ.

- Tại cột 3: Là số dư tồn quỹ. Trong đó số tồn quỹ phải khớp đúng với số tiền mặt trong quỹ.

Lưu ý rằng:

- Việc ghi sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ quỹ tiền mặt của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ quỹ tiền mặt của năm trước liền kề. Sổ quỹ tiền mặt phải được ghi liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.

- Thông tin, số liệu trên sổ quỹ tiền mặt phải được ghi bằng bút mực; không ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới; không ghi chồng lên nhau; không ghi cách dòng; trường hợp ghi không hết trang phải gạch chéo phần không ghi; khi ghi hết trang phải cộng số liệu tổng cộng của trang và chuyển số liệu tổng cộng sang trang kế tiếp.

3. Nguyên tắc sửa chữa sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh

Nguyên tắc sửa chữa sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh được thực hiện theo Điều 27 Luật kế toán 2015 như sau:

- Khi phát hiện sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh có sai sót thì không được tẩy xóa làm mất dấu vết thông tin, số liệu ghi sai mà phải sửa chữa theo một trong ba phương pháp sau đây:

+ Ghi cải chính bằng cách gạch một đường thẳng vào chỗ sai và ghi số hoặc chữ đúng ở phía trên và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;

+ Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai bằng mực đỏ hoặc ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;

+ Ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.

- Trường hợp phát hiện sổ quỹ tiền mặt dùng cho hộ kinh doanh có sai sót trước khi báo cáo tài chính năm được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đó.

- Trường hợp phát hiện có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.

- Sửa chữa sổ quỹ tiền mặt trong trường hợp ghi sổ bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo phương pháp ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
169

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn