10/08/2024 11:39

Mẫu hợp đồng thuê nhà ở theo Nghị định 96? Nguyên tắc khi xác lập hợp đồng thuê nhà ở

Mẫu hợp đồng thuê nhà ở theo Nghị định 96? Nguyên tắc khi xác lập hợp đồng thuê nhà ở

Mẫu hợp đồng thuê nhà theo quy định mới nhất là mẫu nào? Nguyên tắc khi xác lập hợp đồng thuê nhà ở là gì?

1. Mẫu hợp đồng thuê nhà ở theo Nghị định 96

Mẫu hợp đồng thuê nhà ở theo Nghị định 96 được áp dụng hiện nay là mẫu hợp đồng thuê nhà ở quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP, cụ thể theo như hình dưới đây:

Tải Mẫu hợp đồng thuê nhà ở: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/mau-hop-dong-thue-nha-o.docx

Hướng dẫn cách ghi hợp đồng thuê nhà ở theo Nghị định 96:

1 Ghi các căn cứ liên quan đến việc cho thuê nhà ở. Trường hợp Nhà nước có sửa đổi, thay thế các văn bản pháp luật ghi tại phần căn cứ của hợp đồng này thì bên bán phải ghi lại theo số, tên văn bản mới đã thay đổi.

2 Ghi tên doanh nghiệp, cá nhân cho nhà ở; nếu là cá nhân thì không cần có các nội dung về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

3 Nếu là tổ chức thì ghi các thông tin về tổ chức; nếu là cá nhân thì ghi các thông tin về cá nhân, nếu có nhiều người mua là cá nhân cùng đứng tên trong hợp đồng thì tại mục này phải ghi đầy đủ thông tin về những người cùng thuê nhà ở; không cần có các nội dung về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

4 Nếu là tổ chức thì ghi số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Nguyên tắc khi xác lập hợp đồng thuê nhà ở

Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi xác lập hợp đồng thuê nhà ở phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:

- Được sử dụng hợp đồng thuê nhà ở để ký kết sau khi đã thực hiện công khai thông tin về nhà ở đưa vào kinh doanh;

- Tuân thủ, chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản trong việc thực hiện các quy định, nguyên tắc về việc thực hiện công khai, sử dụng, xác lập, ký kết, thực hiện hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nghĩa vụ tuân thủ đúng, không được thay đổi các nội dung có trong hợp đồng thuê nhà ở. Trường hợp trong hợp đồng thuê nhà ở có nội dung để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được bổ sung nội dung thì việc bổ sung nội dung hợp đồng phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không làm thay đổi hoặc trái với các nội dung đã có trong hợp đồng mẫu;

- Trường hợp có sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng thuê nhà ở đã công khai thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm đồng thời công khai hợp đồng đã sửa đổi, bổ sung trước khi sử dụng để ký kết hợp đồng;

- Trong trường hợp hợp đồng thuê nhà ở được doanh nghiệp sử dụng để ký kết với các khách hàng có nội dung không đúng với nội dung của hợp đồng mẫu nêu trên, không đúng với hợp đồng mẫu đã thực hiện công khai, không tuân thủ đúng các nguyên tắc khi xác lập, ký kết, thực hiện hợp đồng thuê nhà ở thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan và có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh đối với các khách hàng đã ký hợp đồng do các vi phạm của mình.

Nếu có tranh chấp thì các bên liên quan căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và pháp luật có liên quan để giải quyết.

3. Trường hợp nào các bên được chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở?

Căn cứ tại Điều 171 Luật Nhà ở 2023 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở gồm:

- Nếu thuê nhà ở thuộc tài sản công thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp thu hồi nhà ở thuộc tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2023.

- Nếu thuê nhà ở không thuộc tài sản công thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Hợp đồng thuê nhà ở hết thời hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;

+ Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

+ Nhà ở cho thuê không còn;

+ Bên thuê nhà ở là cá nhân chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

+ Bên thuê nhà ở là tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;

+ Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc trường hợp bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào mục đích khác.

Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc các bên có thỏa thuận khác;

+ Các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở quy định tại Điều 172 Luật Nhà ở 2023.

Đỗ Minh Hiếu
637

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]