Chào chị, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Giấy giới thiệu công ty là một văn bản do một công ty, doanh nghiệp phát hành nhằm giới thiệu các thông tin cơ bản về nhân viên, cán bộ, công nhân viên hoặc sinh viên của công ty đó cho một tổ chức khác. Giấy giới thiệu công ty thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Giới thiệu nhân viên đi công tác, thực hiện nhiệm vụ, đàm phán công việc
- Giới thiệu nhân viên tham gia hội nghị, hội thảo, triển lãm
- Giới thiệu nhân viên đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ
- Giới thiệu nhân viên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện
- Giấy giới thiệu công ty có thể được viết tay hoặc đánh máy, nhưng phải được đóng dấu và chữ ký của người có thẩm quyền của công ty.
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan chưa có quy định về mẫu Giấy giới thiệu công ty, tuy nhiên khi lập Giấy giới thiệu công ty cần đảm bảo các nội dung:
- Tên cơ quan, tổ chức có nhân sự đi công tác, thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị khác.
- Tên cơ quan, người ban hành theo đúng quy định và thẩm quyền.
- Họ tên, vị trí, nhiệm vụ của nhân sự được cử đi công tác.
- Tên cơ quan, tổ chức được giới thiệu theo kế hoạch.
- Nội dung chi tiết kế hoạch công tác, thực tập, làm việc…
- Thời gian có hiệu lực của giấy giới thiệu.
Mẫu Giấy giới thiệu công ty tham khảo: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/giay-gioi-thieu-cong-ty.docx
+ Phần tên chủ thể: Tên tổ chức, Tên công ty, Tên đơn vị sự nghiệp (thể hiện bên trái), ngang bằng với nó bên phải là thông tin quốc hiệu " CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - Độc lập - Tự Do - Hạnh phúc.
+ Tên văn bản đặt là: GIẤY GIỚI THIỆU (viết in hoa, in đậm).
+ Phần kính gửi: Phải ghi rõ, ghi đúng tên cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được giới thiệu đến.
+ Phần thông tin của người được giới thiệu: Ghi đầy đủ họ tên, chức vụ nếu là cá nhân bên ngoài thì có thể thêm các thông tin định danh như số chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân....
+ Phần nội dung của giấy giới thiệu: Cần ghi rõ lý do và phạm vi làm việc cụ thể (càng chi tiết, dễ hiểu càng tốt). Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là: Thời điểm có hiệu lực hoặc hết hiệu lực của giấy giới thiệu thường được viết tay.
+ Phần ký tên đóng dấu của người có thẩm quyền giới thiệu: Với các đơn vị nhà nước thường là thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan. Nếu là cấu phó thì có thể thêm từ Thừa lệnh (TL) hoặc thay mặt (TM) người có thẩm quyền ký đóng dấu.
+ Phần nơi gửi: ghi vắn tắt các cơ quan, và thông tin lưu trữ văn bản.
Giấy giới thiệu có các vai trò chính như sau:
+ Giúp tránh giả mạo, mạo danh hoặc gây nhầm lẫn đối với các đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân được giới thiệu.
+ Giúp các bên làm việc với đúng người có thẩm quyền hoặc có chuyên môn xử lý vấn đề đang gặp phải;
+ Giúp bên được giới thiệu tin tưởng và qua đó nhận được sự hỗ trợ hiệu quả trong thời gian làm việc;
+ Giấy giới thiệu là một tài liệu pháp lý quan trọng để giải trình các vấn đề khác liên quan khi xảy ra các sự cố bất ngờ ngoài ý muốn của các bên.
Trân trọng!