30/03/2024 16:17

Mẫu đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới nhất

Mẫu đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới nhất

Tìm giúp tôi mẫu đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam đang được sử dụng hiện nay. Người dân bao nhiêu tuổi thì có thể kết nạp Đảng? Quỳnh Như – Nghệ An.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bao nhiêu tuổi thì được kết nạp Đảng?

Theo quy định Điều 1 Quy định 24-QĐ/TW 2021 về tuổi đời và trình độ học vấn của người vào Đảng như sau:

- Về tuổi đời.

+ Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).

+ Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

- Về trình độ học vấn.

+ Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

+ Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam 2011 quy định:

Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

Như vậy, để được kết nạp làm đảng viên, người dân cần đáp ứng điều kiện về độ tuổi. Cụ thể, tại thời điểm được chi bộ xét duyệt, người vào Đảng phải đủ từ 18 tuổi trở lên và không quá 60 tuổi.

Trường hợp người trên 60 tuổi muốn gia nhập Đảng sẽ do các cấp ủy trực thuộc Trung ương Đảng xem xét và đưa ra quyết định dựa trên từng trường hợp cụ thể.

2. Mẫu đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới nhất

 

Mẫu đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới nhất: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/don-xin-vao-Dang.doc 

3. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có những quyền gì?

Theo quy định tại Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam 2011 và Mục 2 Quy định 24-QĐ/TW 2021 thì Đảng viên có những quyền sau:

- Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp uỷ cấp trên, các cấp uỷ đảng thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thời sự trong nước, thế giới… phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

- Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

Đảng viên được phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản trong phạm vi tổ chức của Đảng về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của đảng viên đó; chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về ý kiến của mình.

Khi nhận được ý kiến phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị, tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm phải trả lời theo thẩm quyền, chậm nhất là 30 ngày làm việc đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, 60 ngày làm việc đối với cấp huyện, tỉnh và tương đương, 90 ngày làm việc đối với cấp Trung ương. Những trường hợp phức tạp cần phải kéo dài hơn thời gian quy định trên thì phải thông báo cho tổ chức đảng và đảng viên biết lý do.

- Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

Đảng viên được thông báo ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi làm việc và nơi cư trú khi xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; được trình bày ý kiến với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng khi xem xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

*Lưu ý: Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1394

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn