05/06/2024 17:26

Mẫu đơn xin nghỉ không lương dành cho người lao động mới nhất 2024

Mẫu đơn xin nghỉ không lương dành cho người lao động mới nhất 2024

Mẫu đơn xin nghỉ không hưởng lương để làm công việc cá nhân dành cho người lao động mới nhất hiện nay?

Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Mẫu đơn xin nghỉ không lương dành cho người lao động mới nhất 2024

Đơn xin nghỉ không lương là văn bản do người lao động tự soạn thảo nhằm mục đích xin nghỉ việc trong một khoảng thời gian cụ thể và không hưởng lương.

Theo Điều 116 Bộ luật lao động 2019 có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

- Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

+ Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

- Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 116 Bộ luật lao động 2019, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Thông thường mẫu đơn xin nghỉ không hưởng lương sẽ được mỗi đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tự quy định, hoặc người lao động có thể tham khảo các mẫu trên mạng rồi làm theo. Dưới đây là một số mẫu đơn xin nghỉ không lương dành cho người lao động mới nhất 2024 mà chị có thể tham khảo qua:

Mẫu 1: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-don-xin-nghi-khong-luong-1.doc

Mẫu 2: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-don-xin-nghi-khong-luong-2.doc

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xin nghỉ không hưởng lương. Pháp luật lao động hiện hành không có quy định về thời hạn tối đa xin nghỉ không hưởng lương. Thời gian nghỉ không hưởng lương hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

2. Người lao động có được trả lương trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động không?

Tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ;

- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Lao động nữ mang thai;

- Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo một trong những trường hợp nêu trên, người lao động sẽ không được hưởng lương cũng như quyền và lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Người lao động nghỉ không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Tại khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:

Điều 42: Quản lý đối tượng

  1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.

...

  1. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

...

Như vậy, người lao động nghỉ không lương mà không thuộc chế độ ốm đau sẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người sử dụng lao động lẫn người lao động đều không phải đóng bảo hiểm xã hội cho tháng đó.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
459

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]