Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Để được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội, người vay phải thuộc nhóm đối tượng được quy định theo Điều 5 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg, bao gồm 06 nhóm đối tượng như sau:
+ Hộ nghèo;
+ Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề;
+ Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11 tháng 04 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
+ Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;
+ Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135);
+ Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó:
- Đối với người vay là hộ nghèo cần phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã;
- Đối với người vay là các đối tượng chính sách khác thì cần thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định trong Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tải mẫu đơn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội :https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/vay-von-nh-chinh-sach-xh.doc
Lưu ý rằng về nguyên tắc khi vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội thì người vay phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay và phải trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.
Theo Điều 11 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg, lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng sau đây:
+ Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11 tháng 04 năm 1992;
+ Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135).
Cần lưu ý rằng trong trường hợp nợ quá hạn, lãi suất nợ quá hạn sẽ được tính bằng 130% lãi suất khi vay tại ngân hàng chính sách xã hội.
Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn khi vay tại Ngân hàng chính sách xã hội được quy định tại Điều 14 Quyết định 16/2003/QĐ-TTg như sau:
+ Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay.
+ Trường hợp Người vay chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do chưa thu hoạch, bị kéo dài so với dự kiến hoặc chưa tiêu thụ được sản phẩm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ.
Việc cho gia hạn nợ của các tổ chức nhận ủy thác cho vay tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác ghi trong hợp đồng.
+ Trường hợp cho vay lưu vụ: thời hạn cho vay là thời hạn của chu kỳ sản xuất tiếp theo.
+ Trường hợp Người vay sử dụng vốn vay sai mục đích; Người vay có khả năng trả khoản nợ đến hạn nhưng chây ỳ không trả thì chuyển nợ quá hạn. Tổ chức cho vay kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.
+ Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển cho vay lưu vụ, chuyển sang nợ chờ xử lý, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trân trọng!