09/03/2024 14:57

Mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mới nhất 2024 và cách viết

Mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mới nhất 2024 và cách viết

Bị cáo có thái độ ăn năn thì bị hại có thể làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt được không? Tìm giúp tôi mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mỹ Lan – Hà Tĩnh.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có được không?

Có nhiều vụ án, người bị hại sẽ thường kháng cáo để tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo có thái độ ăn năn, tự nguyện khắc phục hẩu quả thì người bị hại cũng có thể kháng cáo hoặc làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bị hại có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, hội đồng xét xử sẽ xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan vụ án để  ra quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không.

2. Mẫu đơn xin giảm nhẹ hình phạt mới nhất 2024 và cách viết

 

Mẫu đơn xin giảm nhẹ hình phạt (tham khảo): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/don-xin-nhe-hinh-phat.doc 

Hướng dẫn cách viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt:

(1): Họ tên cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn;

(2): Mối quan hệ với người được viết đơn (ví dụ như anh/chị/em/cha/mẹ/vợ/con …) hoặc tư cách tham gia tố tụng nếu trực tiếp viết đơn;

(3): Họ, tên người được xin giảm nhẹ;

(4): Thông tin vụ án;

Ví dụ “Nguyễn Văn A” phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

(5): Điền tên cơ quan hiện đang thụ lý giải quyết vụ án;

(6): Trình bày nội dung về nhân thân nếu có các tình tiết: nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; là người có nhiều thành tích trong công tác; gia đình có công với Cách mạng (bố mẹ, ông bà là người có công với Cách mạng)…

(7): Trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn (nếu có): là trụ cột cho gia đình; có con nhỏ; vợ chồng/con cái/bố mẹ ốm đau phải chăm sóc…;

(8): Trình bày vắn tắt việc đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả (nếu có).

3. Mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cách viết

 

Mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (tham khảo): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/don-khang-cao-xin-nhe-hinh-phat.doc 

Hướng dẫn cách viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt:

(1): Ghi tên Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào, thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện GN, tỉnh BT); Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận).

(2): Nếu người kháng cáo là cá nhân thì ghi họ tên của cá nhân đó; nếu người kháng cáo ủy quyền cho người khác thì ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo, nếu người kháng cáo là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó (ghi như đơn kháng cáo) và ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, nếu người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì ghi họ tên của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền.

(3): Nếu người kháng cáo là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức.

(4): Ghi tư cách tham giá tố tụng của người kháng cáo

(5): Ghi cụ thể kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần nào của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật đó

(6): Ghi lý do cụ thể của việc kháng cáo.

(7): Nêu cụ thể từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.

(8): Trường hợp có các tài liệu, chứng cứ bổ sung thì phải ghi đầy đủ tên các tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
5132

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn