Mẫu đơn đăng ký học thêm năm 2025 cho mọi cấp là Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cụ thể theo như hình dưới đây:
Tải mẫu đơn đăng ký học thêm năm 2025 cho mọi cấp: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-don-dk-hoc-them-mau-so-1.docx
Tham khảo cách viết đơn đăng ký học thêm năm 2025 cho mọi cấp như sau:
- Tại mục năm học đăng ký học thêm: Người viết ghi rõ năm học học sinh có nguyện vọng đăng kí học thêm.
- Tại mục môn học đăng ký học thêm: Người viết ghi rõ tên môn học muốn đăng ký học thêm (Toán, Ngữ văn, Tiếng anh,...) kèm theo khối lớp đăng ký học thêm.
- Tại mục đối tượng đăng ký học thêm: Người viết ghi rõ 1 trong 3 đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, gồm:
+ Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
+ Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
+ Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Tại mục nguyện vọng đăng ký giáo viên dạy thêm (nếu có): Người viết ghi rõ họ tên giáo viên dạy thêm có nguyện vọng được học và môn học mà giáo viên đó dạy.
- Cuối cùng, trong đơn đăng ký học thêm phải có đầy đủ ý kiến của cha mẹ học sinh (nếu học sinh là người chưa thành niên) và tên, chữ ký người làm đơn.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm năm 2025 được quy định tại Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT như sau:
(1) Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
(2) Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.
(3) Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
(4) Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, không được tổ chức dạy thêm trong những trường hợp sau:
- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
(Theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
Căn cứ Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm của cơ sở dạy thêm khi tổ chức dạy thêm gồm:
- Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Quản lí và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lí, sử dụng tiền học thêm theo quy định.
- Quản lí, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định.
- Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
- Tiếp nhận và xử lí ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.