12/03/2024 18:30

Mẫu biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành năm 2024

Mẫu biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành năm 2024

Tôi muốn hỏi nghiệm thu là gì? Quy trình nghiệm thu công việc xây dựng thế nào? Tìm giúp tôi mẫu biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành mới nhất. “Văn Sơn – Sơn La”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nghiệm thu là gì? 

Nghiệm thu là quá trình kiểm tra, đánh giá và xác nhận một công việc, sản phẩm, dịch vụ hay công trình xây dựng đạt các yêu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được thỏa thuận giữa các bên liên quan.

2. Mẫu biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành

Mẫu biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hoàn thành: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-bien-ban-nghiem-thu-cong-viec-xay-dung-hoan-thanh.doc

Theo đó nội dung biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng được quy định tại Khoản 6 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:

- Tên hạng mục công trình, công trình xây dựng được nghiệm thu;

- Thời gian và địa điểm nghiệm thu;

- Thành phần ký biên bản nghiệm thu;

- Đánh giá về việc đáp ứng các điều kiện nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều này và sự phù hợp của hạng mục công trình, công trình đã được thi công xây dựng so với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các yêu cầu khác của hợp đồng xây dựng;

- Kết luận nghiệm thu (chấp thuận hay không chấp thuận nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng; yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện bổ sung và các ý kiến khác nếu có);

- Chữ ký, họ và tên, chức vụ và đóng dấu pháp nhân của người ký biên bản nghiệm thu;

- Phụ lục kèm theo (nếu có).

3. Ký biên bản nghiệm thu gồm những ai?

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì thành phần ký biên bản nghiệm thu bao gồm:

- Người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền;

- Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu giám sát thi công xây dựng, giám sát trưởng;

- Người đại diện theo pháp luật, chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của các nhà thầu chính thi công xây dựng hoặc tổng thầu trong trường hợp áp dụng hợp đồng tổng thầu; trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải có đầy đủ người đại diện theo pháp luật, chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của từng thành viên trong liên danh;

- Người đại diện theo pháp luật và chủ nhiệm thiết kế của nhà thầu thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư;

- Người đại diện theo pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng dự án hoặc người được ủy quyền trong trường hợp thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Như vậy, biên bản nghiệm thu phải có chữ ký của đại diện các bên liên quan chính trong dự án xây dựng bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát, nhà thầu thiết kế và cơ quan nhà nước ký hợp đồng (nếu là dự án đối tác công tư).

4. Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thế nào?

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thực hiện như sau:

- Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb (Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình) Nghị định 06/2021/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Danh-muc-ho-so-hoan-thanh-cong-trinh.doc

- Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập một lần chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm. Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình (hạng mục công trình) này.

- Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện. Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp. Riêng công trình nhà ở và công trình di tích, việc lưu trữ hồ sơ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về di sản văn hóa.

- Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 07 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 05 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

- Hồ sơ nộp Lưu trữ lịch sử của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Như vậy, chủ đầu tư có trách nhiệm chính trong việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình theo đúng quy định, đồng thời các bên liên quan cũng phải lưu giữ hồ sơ phần việc của mình với thời hạn tương ứng.

Hứa Lê Huy
1604

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn