16/11/2024 14:46

Mẫu Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới nhất theo Thông tư 39/2018/TT-BTC

Mẫu Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới nhất theo Thông tư 39/2018/TT-BTC

Trường hợp nào phải lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu? Mẫu Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới nhất theo là mẫu nào? Các trường hợp nào phải khai bổ sung hồ sơ hải quan?

1. Trường hợp nào phải lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu?

Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định về trường hợp cần lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi khai hải quan như sau:

Điều 18. Khai hải quan

1. Nguyên tắc khai hải quan

c) Một tờ khai hải quan được khai báo cho lô hàng có một hóa đơn. Trường hợp khai hải quan đối với lô hàng có nhiều hóa đơn trên một tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu số 02/BKHĐ/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này, gửi kèm tờ khai hải quan đến Hệ thống.

Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải khai đầy đủ số, ngày, tháng, năm của hóa đơn và tổng lượng hàng trên tờ khai hải quan, nếu không thể khai hết các hóa đơn trên tờ khai hải quan thì lập bản kê chi tiết kèm theo tờ khai hải quan;

Như vậy. Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được lập trong trường hợp cần khai hải quan đối với lô hàng có nhiều hóa đơn trên một tờ khai hải quan và phải gửi kèm tờ khai hải quan đến Hệ thống nếu khai theo hình thức online.

Ngoài ra, trong trường hợp khai tờ khai hải quan giấy thì nếu không thể khai hết các hóa đơn trên tờ khai hải quan thì cũng phải lập Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo tờ khai hải quan.

2. Mẫu Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới nhất theo Thông tư 39/2018/TT-BTC

Theo đó, Bảng kê hóa đơn thương mại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện nay được lập theo Mẫu 02/BKHĐ/GSQL tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Tải Mẫu 02/BKHĐ/GSQL: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/Bang-ke-hoa-don-thuong-mai.doc

3. Các trường hợp nào phải khai bổ sung hồ sơ hải quan?

Khai bổ sung hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc khai sửa đổi bổ sung thông tin tờ khai hải quan và nộp các chứng từ liên quan đến khai sửa đổi thông tin tờ khai hải quan. 

Căn cứ tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định, trừ các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan không được khai bổ sung quy định tại mục 3 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC, người khai hải quan được khai bổ sung các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan trong các trường hợp sau:

- Khai bổ sung trong thông quan:

+ Người khai hải quan, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho người khai hải quan;

+ Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật;

+ Người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi cơ quan hải quan phát hiện sai sót, không phù hợp giữa thực tế hàng hóa, hồ sơ hải quan với thông tin khai báo trong quá trình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan:

Trừ nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong các trường hợp sau:

+ Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra;

+ Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
279

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]