Chào chị, Ban tư vấn xin được giải đáp như sau:
Các chất ma túy được phân chia thành nhiều loại dựa theo những căn cứ khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến hiện nay thì dựa nguồn gốc ma túy được phân chia thành 03 loại gồm: Ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp.
- Ma túy tự nhiên: là sản phẩm của các cây trồng tự nhiên và các chế phẩm của chúng như thuốc phiện, cần sa, cocain…
- Ma túy bán tổng hợp: là các chất ma túy được chế từ ma túy tự nhiên và một số chất phụ gia khác, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu.
Ví dụ: Heroin là một loại ma túy bán tổng hợp được chiết xuất từ cây thuốc phiện, bằng cách chế thuốc phiện với các hóa chất để tạo ra morphine và sau đó kết tủa thành heroin dạng thô.
- Ma túy tổng hợp: là các loại ma túy được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học toàn phần từ hóa chất như: thuốc lắc, ma túy đá...
Heroin có rất nhiều tác hại đến cơ thể người nghiện, điển hình như:
- Hệ thần kinh: Ngoài tác dụng kích thích thần kinh giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, sau đó sẽ bị lệ thuộc thuốc…, có thể gây các tai biến như: co giật, đột quị, ảo giác, ảo thính, ảo thị...
- Hệ tim mạch: kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên cơ tim, gây co thắt mạch vành tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim, gây co mạch làm tăng huyết áp.
- Hệ hô hấp: kích thích hô hấp gây tăng tần số thở trong thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ức chế hô hấp, nhất là khi dùng quá liều, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở đột ngột.
- Hệ sinh dục: Nhiều người lầm tưởng, ma túy sẽ làm tăng khả năng tình dục, thực tế ở người nghiện ma túy khả năng tình dục suy giảm một cách rõ rệt, tình trạng này vẫn tồn tại sau khi ngưng dùng thuốc một thời gian khá lâu. Ở nam giới dùng ma túy trong thời gian dài sẽ bị bất lực, chứng vú to. Còn ở phụ nữ thì bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, và vô sinh.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 27 Luật Phòng chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy trong trường hợp tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy thì sẽ được tiến hành làm xét nghiệm để xác định tình trạng nghiên ma túy theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điểu 27 Luật Phòng chống ma túy 2021 quy định rằng Người đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy có quyền và phải tuân thủ các vấn đề sau:
- Người nghiện ma túy được bảo đảm danh dự, nhân phẩm;
- Được hỗ trợ đi lại, ăn ở, điều trị hội chứng cai và các bệnh kèm theo trong thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy;
- Phải chấp hành nội quy, quy chế của cơ sở xác định tình trạng nghiện ma túy;
- Phải khai báo trung thực với nhân viên y tế về tiền sử sử dụng ma túy, các biểu hiện của việc sử dụng ma túy;
- Người nghiện ma túy mà từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, khi nhận được kết quả xác định là nghiện ma túy phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng chống ma túy 2021, người nghiện heroin, khi tự nguyện tham gia quá trình cai nghiện, được lựa chọn nơi thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy. Các lựa chọn bao gồm việc thực hiện tại gia đình, trong cộng đồng, hoặc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, Điều 29 Luật Phòng chống ma túy 2021, được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 116/2021/NĐ-CP trình bày về 3 giai đoạn cai nghiện Heroin đối với người tự nguyện cai nghiện như sau:
Giai đoạn 1: Tiếp nhận và phân loại
Tại giai đoạn này người cai nghiện sẽ được thu thập thông tin cá nhân chi tiết, như độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, loại và mức độ sử dụng ma túy và các thông tin nhân thân khác theo mẫu. Bên cạnh đó còn phải phân loại, tư vấn và xây dựng kế hoạch cai nghiện phù hợp. Đồng thời, cung cấp thông tin về phương pháp và chương trình cai nghiện, cũng như giải đáp thắc mắc cho người nghiện ma túy.
Giai đoạn 2: Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác
Tại giai đoạn này, người cai nghiện heroin được khám và xây dựng bệnh án đặt chú trọng vào nhận diện các dấu hiệu rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội. Sau đó, xác định loại ma túy và liều lượng mà người nghiện sử dụng để tạo phác đồ điều trị cắt cơn và giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi bắt đầu điều trị cắt cơn và giải độc, tiến hành tư vấn tâm lý để hỗ trợ người nghiện. Thực hiện phác đồ điều trị theo quy định chuyên môn của Bộ Y tế, kết hợp sử dụng thuốc với biện pháp tâm lý và vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng. Quan trọng là kết hợp điều trị cắt cơn, giải độc với điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội khác, tạo nên phương pháp đa chiều nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình hỗ trợ và tái lập sức khỏe cho người nghiện.
Giai đoạn 3: Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách
Tổ chức đào tạo về giáo dục công dân, sức khỏe, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc và các chuyên đề phù hợp với trình độ học vấn của người cai nghiện. Cung cấp hoạt động trị liệu tâm lý để điều trị rối loạn tâm thần, nâng cao kỹ năng sống và tư duy tích cực. Kết hợp học tập và trị liệu với tư vấn, khuyến khích tham gia hoạt động lao động hàng ngày để xây dựng ý thức và thói quen tích cực. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, và sinh hoạt tập thể để hỗ trợ quá trình phục hồi của người cai nghiện.
Người nghiện ma túy bán tổng hợp Heroin, nếu tự nguyện tham gia quá trình cai nghiện, sẽ được lựa chọn nơi thực hiện biện pháp cai nghiện theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, họ có thể trải qua chỉ 3 giai đoạn cai nghiện thay vì 5 giai đoạn. Nếu người nghiện ma túy tự nguyện tham gia và hoàn thành 3 giai đoạn cai nghiện và phục hồi sức khỏe, họ sẽ được hòa nhập lại với cộng đồng.