16/01/2025 10:31

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên từ 10/02/2025

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên từ 10/02/2025

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên là gì? Công chứng viên có những nhiệm vụ gì? Các trường hợp nào không được bổ nhiệm công chứng viên?

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên từ 10/02/2025

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 15/2024/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 10/02/2025) quy định:

Điều 3. Mã số chức danh nghề nghiệp

1. Công chứng viên - Mã số: V02.02.01.

2. Đấu giá viên - Mã số: V02.03.01.

3. Hỗ trợ pháp lý hạng II - Mã số: V02.04.01.

4. Hỗ trợ pháp lý hạng III - Mã số: V02.04.02.

5. Hỗ trợ nghiệp vụ hạng II - Mã số: V02.05.01.

6. Hỗ trợ nghiệp vụ hạng III - Mã số: V02.05.02.

Theo đó, từ ngày 10/02/2025, mã số chức danh nghề nghiệp công chứng viên là V02.02.01.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 15/2024/TT-BTP cũng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên như sau:

(1) Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp (Điều 4 Thông tư 15/2024/TT-BTP)

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.

- Thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp theo các chức danh nghề nghiệp (nếu có).

(2) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (Điều 6 Thông tư 15/2024/TT-BTP)

- Có bằng cử nhân luật.

- Đã được bổ nhiệm công chứng viên

(3) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (Điều 7 Thông tư 15/2024/TT-BTP)

- Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng và lĩnh vực có liên quan.

- Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên theo quy định của pháp luật.

- Có năng lực hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng.

- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống trong lĩnh vực công chứng.

- Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.

 Công chứng viên có những nhiệm vụ gì?

Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 15/2024/TT-BTP quy định nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên bao gồm:

- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch công chứng trong phạm vi địa phương hoặc theo phân công.

- Chủ trì hoặc tham gia thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động công chứng tại địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về công chứng; tham gia, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra công tác công chứng, chứng thực của các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo phân công.

- Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về công chứng.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực công chứng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.

Các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên từ 01/7/2025

Theo quy định tại Điều 14 Luật Công chứng 2024 thì các trường hợp  không được bổ nhiệm công chứng viên bao gồm:

(1) Người không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 10 Luật Công chứng 2024.

(2) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

(3) Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(4) Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

(5) Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng; đang là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; đang là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

(6) Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá hoặc đang thực hiện công việc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2024.

(7) Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm; công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc.

(8) Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá bị miễn nhiệm hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do vi phạm pháp luật mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định miễn nhiệm hoặc quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề có hiệu lực thi hành.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]