30/11/2024 10:24

Mã số chức danh nghề nghiệp đối với Viên chức lý lịch tư pháp từ ngày 15/01/2025

Mã số chức danh nghề nghiệp đối với Viên chức lý lịch tư pháp từ ngày 15/01/2025

Mã số chức danh nghề nghiệp đối với Viên chức lý lịch tư pháp là gì? Nhiệm vụ của Viên chức lý lịch các hạng là gì?

Mới đây, ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 13/2024/TT-BTP ngày quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.

Thông tư 13/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.

1. Mã số chức danh nghề nghiệp đối với viên chức lý lịch tư pháp từ ngày 15/01/2025

Viên chức lý lịch tư pháp có thể hiểu là viên chức thực hiện công việc trong lĩnh vực lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp.

Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số chức danh nghề nghiệp đối với Viên chức lý lịch tư pháp như sau:

- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I - Mã số: V.01.01.01.

- Viên chức lý lịch tư pháp hạng II - Mã số: V.01.01.02.

- Viên chức lý lịch tư pháp hạng III - Mã số: V.01.01.03.

Như vậy, chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp gồm có 3 hạng, gồm: Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II và hạng III.

2. Nhiệm vụ của Viên chức lý lịch các hạng

Theo quy định tại khoản 1 các Điều 5, 6, 7 Thông tư 13/2024/TT-BTP thì Viên chức lý lịch tư pháp các hạng có nhiệm vụ như sau:

Viên chức lý lịch tư pháp hạng I:

- Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lý lịch tư pháp, xây dựng tài liệu, nội dung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III;

- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp;

- Chủ trì biên soạn, xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực lý lịch tư pháp;

- Chủ trì nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên;

- Tham gia xây dựng, soạn thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân về lý lịch tư pháp;

- Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

Viên chức lý lịch tư pháp hạng II:

- Kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Viên chức lý lịch tư pháp hạng III theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; đề xuất việc chỉnh sửa, hủy bỏ dữ liệu, thông tin có sai sót, đề xuất việc cấp, từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lý lịch tư pháp đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng III và cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Tham mưu, đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Tham gia biên soạn, xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ lý lịch tư pháp;

- Tham gia nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên;

- Tham gia xây dựng, soạn thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Tham gia giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lý lịch tư pháp;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

Viên chức lý lịch tư pháp hạng III:

- Thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, phân loại, xử lý, cung cấp, rà soát thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu để cấp Phiếu lý lịch tư pháp; lập, lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy;

- Thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Tham gia hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;

- Tham gia góp ý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy định, quy chế, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
7

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]