21/11/2024 10:18

Mã OTP là gì? Có các hình thức xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng mã OTP nào từ năm 2025?

Mã OTP là gì? Có các hình thức xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng mã OTP nào từ năm 2025?

Các hình thức xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng mã OTP từ năm 2025 là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư 50/2024/TT-NHNN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng.

Thông tư 50/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

1. Mã OTP là gì?

Mã OTP (One Time Password - mật khẩu dùng một lần) là dãy gồm các ký tự hoặc chữ số ngẫu nhiên được ngân hàng tạo ra và gửi đến số điện thoại, Email hoặc ứng dụng của ngân hàng của người dùng để xác nhận giao dịch.

Mã OTP có hiệu lực trong thời gian ngắn, tùy ngân hàng và loại mã OTP sẽ có quy định khác nhau nhưng thông thường sẽ trong khoảng 30 - 60 giây. Nếu để quá thời gian này, người dùng cần phải sử dụng một mã OTP khác để thực hiện giao dịch.

Theo quy định hiện hành tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 35/2016/TT-NHNN thì mã khóa bí mật dùng một lần (One Time Password - OTP) là mã khóa bí mật có giá trị sử dụng một lần và có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, thường được sử dụng như một yếu tố thứ 2 để xác thực người dùng truy cập ứng dụng hoặc thực hiện giao dịch Internet Banking.

2. Có các hình thức xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng mã OTP nào từ năm 2025?

Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định, hình thức xác nhận bằng mã khóa bí mật dùng một lần (One Time Password - OTP) là hình thức xác nhận bằng mã khóa bí mật trong đó mã khóa bí mật có giá trị sử dụng một lần và có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm 06 hình thức sau:

(1) SMS OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP được gửi qua tin nhắn SMS (Short Message Services) hoặc tin nhắn thông qua dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet. SMS OTP phải đáp ứng yêu cầu:

- OTP gửi tới khách hàng phải kèm thông tin thông báo để khách hàng nhận biết được mục đích của OTP;

- OTP có hiệu lực tối đa 05 phút.

(2) Voice OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP được gửi qua cuộc gọi thoại hoặc cuộc gọi thông qua dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet. Voice OTP phải đáp ứng yêu cầu:

- OTP gửi tới khách hàng phải kèm thông tin thông báo để khách hàng nhận biết được mục đích của OTP;

- OTP có hiệu lực tối đa 03 phút.

(3) Email OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP được gửi qua thư điện tử. Email OTP phải đáp ứng yêu cầu:

- OTP gửi tới khách hàng phải kèm thông tin thông báo để khách hàng nhận biết được mục đích của OTP;

- OTP có hiệu lực tối đa 05 phút.

(4) Thẻ ma trận OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP được xác định từ một bảng 2 chiều (dòng, cột), tương ứng với mỗi dòng, cột là một mã OTP. Thẻ ma trận OTP phải đáp ứng yêu cầu:

- Thẻ ma trận OTP có thời hạn sử dụng tối đa 01 năm kể từ ngày đăng ký thẻ;

- OTP có hiệu lực tối đa 02 phút.

(5) Soft OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP được tạo bởi phần mềm cài đặt trên thiết bị di động của khách hàng, phần mềm Soft OTP có thể là phần mềm độc lập hoặc được tích hợp với phần mềm ứng dụng Mobile Banking.

Soft OTP có 02 loại:

- Soft OTP loại cơ bản: Mã OTP được sinh ngẫu nhiên theo thời gian, đồng bộ với hệ thống Online Banking;

- Soft OTP loại nâng cao: Mã OTP được tạo kết hợp với mã của từng giao dịch, khi thực hiện giao dịch, hệ thống Online Banking tạo ra một mã giao dịch thông báo cho khách hàng hoặc truyền cho phần mềm Soft OTP, khách hàng hoặc phần mềm Soft OTP tự động nhập mã giao dịch vào phần mềm Soft OTP để phần mềm Soft OTP tạo ra mã OTP.

Trong đó, Soft OTP phải đáp ứng yêu cầu:

- Trường hợp phần mềm Soft OTP độc lập với phần mềm ứng dụng Mobile Banking, phải được đơn vị đăng ký, quản lý tại kho ứng dụng chính thức của hãng cung cấp hệ điều hành cho thiết bị di động và hướng dẫn cài đặt rõ ràng trên trang tin điện tử của đơn vị để khách hàng tải và cài đặt phần mềm Soft OTP;

- Phần mềm Soft OTP phải yêu cầu kích hoạt trước khi sử dụng. Mã kích hoạt sử dụng Soft OTP do đơn vị cung cấp cho khách hàng và chỉ được sử dụng để kích hoạt trên một thiết bị di động. Mã kích hoạt phải được thiết lập thời hạn hiệu lực sử dụng;

- Phần mềm Soft OTP phải có chức năng kiểm soát truy cập. Trường hợp truy cập sai liên tiếp quá số lần do đơn vị quy định (nhưng không quá 10 lần), phần mềm Soft OTP phải tự động khóa không cho khách hàng sử dụng tiếp.

Đơn vị chỉ mở khóa phần mềm Soft OTP khi khách hàng yêu cầu và phải kiểm tra, nhận biết khách hàng trước khi thực hiện mở khóa, bảo đảm chống gian lận, giả mạo.

- Trường hợp phần mềm Soft OTP độc lập với phần mềm ứng dụng Mobile Banking phải có chức năng kiểm tra khách hàng cá nhân trước khi cho phép khách hàng sử dụng lần đầu hoặc trước khi khách hàng sử dụng trên thiết bị khác với thiết bị sử dụng lần gần nhất.

Việc kiểm tra khách hàng tối thiểu bao gồm: 

+ Khớp đúng SMS OTP hoặc Voice OTP thông qua số điện thoại đã được khách hàng đăng ký.

+ Khớp đúng thông tin sinh trắc học của khách hàng;

- Mã OTP có hiệu lực tối đa 02 phút.

(6) Token OTP: là hình thức xác nhận thông qua mã OTP tạo bởi thiết bị chuyên dụng.

Token OTP có 02 loại:

- Token OTP loại cơ bản: Mã OTP được tạo một cách ngẫu nhiên theo thời gian, đồng bộ với hệ thống Online Banking;

- Token OTP loại nâng cao: Mã OTP được tạo ra kết hợp với mã của từng giao dịch. Khi thực hiện giao dịch, hệ thống Online Banking tạo ra một mã giao dịch thông báo cho khách hàng, khách hàng nhập mã giao dịch vào Token OTP để thiết bị tạo ra mã OTP.

Token OTP có hiệu lực tối đa 02 phút.

Như vậy, từ ngày 01/01/2025, có 06 hình thức xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng mã OTP, trong đó SMS OTP và Email OTP có hiệu lực tối đa lên đến 05 phút.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
19

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn