21/11/2022 15:38

Lưu ý khi xác định thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự

Lưu ý khi xác định thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự

Tôi muốn biết về thời hiệu khởi kiện một số vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành? "Hà Linh-Đà Nẵng"

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc như sau:

1. Thời hiệu khởi kiện là gì?

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là “Thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” 

Theo đó, Thời hiệu là thời gian do luật quy định, mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ. Hết thời hiệu khởi kiện chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật, không được pháp luật bảo vệ; bên có nghĩa vụ không bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ.

2. Xác định thời hiệu khởi kiện?

2. 1. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Bộ luật Dân sự và một số các văn bản luật chuyên ngành khác như Luật Thương mại, Bộ luật Lao động, Luật Trọng tài thương mại, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam,...

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định từng thời hiệu khởi kiện khác nhau, cụ thể như:

Vụ án/Yêu cầu dân sự

Thời hiệu

Căn cứ pháp lý

Khởi kiện về tranh chấp hợp đồng dân sự

03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình hợp pháp bị xâm phạm

Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015

Khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản

- Đối với động sản: 10 năm

- Đối với bất động sản: 30 năm

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015

Yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác

10 năm

Khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015

Yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại

03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế

Khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó

Điều 671 Bộ luật Dân sự 2015

Khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa

01 năm kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng

Điều 169 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015

Khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến

02 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm

Điều 195 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015

Yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm

Điều 190 Bộ luật Lao động 2019

Khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại

02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm

Điều 319 Luật Thương mại 2005

Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài

02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm

Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010

Khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại xảy ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa 

02 năm kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn nhất

Điều 174  Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006

 

2.2. Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Để tính thời hiệu khởi kiện chính xác cần xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu. Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu đến thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. 

Tuy nhiên, tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện bao gồm:

- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013;

- Trường hợp khác do luật quy định.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, trong một số trường hợp, các mốc thời gian sau đây sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện, cụ thể: 

- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong các trường hợp sau:

+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Trân trọng!

Như Ý
1874

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn