24/06/2024 14:16

Lương tối thiểu vùng tăng, lương người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng bao nhiêu?

Lương tối thiểu vùng tăng, lương người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng bao nhiêu?

Lương tối thiểu vùng tăng, lương của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng bao nhiêu? Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng?

Theo Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu tháng của các vùng đã tăng lên so với mức lương tối thiểu hiện tại, dự kiến được áp dụng từ 01/7/2024. Vậy, lương của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng bao nhiêu? 

1. Lương của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng bao nhiêu? 

Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 01/07/2024 dự kiến lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%. 

Theo đó, tại danh mục địa bàn các vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 (Dự kiến) cũng được nêu rõ tại Dự thảo nghị định. Người lao động làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh được tăng lương tùy vào địa bàn như sau:

 

Các địa bàn thuộc thành phố Hồ Chí Minh

Mức lương tối thiểu vùng hiện tại áp dụng đến 30/06/2024 (theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP)

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/07/2024 (dự kiến)

Vùng I

Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè

 

4.680.000 đồng/1 tháng

 

4.960.000 đồng/1 tháng

Vùng II

Huyện Cần Giờ

4.160.000 đồng/1 tháng

4.410.000 đồng/1 tháng

Như vậy, theo Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: 

(1) Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh thuộc Vùng I sẽ được tăng lương tối thiểu từ 4.680.000 đồng/1 tháng lên 4.960.000 đồng/1 tháng;

(2) Huyện Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh thuộc Vùng II sẽ được tăng lương tối thiểu từ 4.160.000 đồng/1 tháng lên 4.410.000 đồng/1 tháng.

Thêm vào đó, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2024 (dự kiến) theo dự thảo của các vùng còn lại như sau:

Vùng I: 4.960.000 đồng/1 tháng;

Vùng II: 4.410.000 đồng/ 1 tháng;

Vùng III: 3.860.000 đồng/ 1 tháng;

Vùng IV: 3.450.000 đồng/ 1 tháng.

Xem chi tiết Dự thảo nghị định: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/nd-muc-luong-toi-thieu.doc 

2. Lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 

Căn cứ tiết d Tiểu mục 3.2 Mục 3 Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023 quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng: 

Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Trong đó,

(1) Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

…. 

(3) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐ-BNN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐ- BNN bằng 20 tháng lương cơ sở. Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu. 

Dựa vào các quy định trên, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm người lao động đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở. Nếu mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Nguyễn Hải Phương Thảo
413

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]