Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Luật Đất đai 2024 được ban hành kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến những khó khăn hiện tại của ngành lâm nghiệp.
Cụ thể, căn cứ theo Điều 248 Luật đất đai 2024 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017 về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017 về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
- Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Lâm nghiệp 2017 về việc giao rừng;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng;
- Sửa đổi, bổ sung tên điều, khoản 5 Điều 53 Luật Lâm Nghiệp 2017 và bổ sung thêm khoản 6 Điều 53 Luật Lâm Nghiệp 2017 về hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng;
- Sửa đổi, bổ sung tên điều, khoản 5 Điều 56 Luật Lâm nghiệp 2017 và bổ sung thêm khoản 6 Điều 56 Luật Lâm nghiệp 2017 về hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về việc sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất.
Như vậy, Luật Đất Đai 2024 đã đưa ra hàng loạt quy định sửa đổi Luật Lâm nghiệp 2017 nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người trồng rừng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đất theo mục đích khai thác lâm sản, du lịch sinh thái, hay các mô hình trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Theo Điều 9 Luật đất đai 2024 quy định về việc phân loại đất thì đất đai được chia thành 3 nhóm, bao gồm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
- Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:
+ Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
+ Đất trồng cây lâu năm;
+ Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
+ Đất nuôi trồng thủy sản;
+ Đất chăn nuôi tập trung;
+ Đất làm muối;
+ Đất nông nghiệp khác.
- Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
+ Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
+ Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh ;
+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp;
+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
+ Đất sử dụng vào mục đích công cộng;
+ Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo; đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng;
+ Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
+ Đất có mặt nước chuyên dùng;
+ Đất phi nông nghiệp khác.
- Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Đây là quy định đã được sửa đổi so với quy định trước đó khi hiện nay chỉ xác định nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Như vây, với việc gộp chung nhóm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thành đất lâm nghiệp, cùng với việc sửa đổi quy định về nhóm đất chưa sử dụng sẽ giúp khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất nói chung, cũng như đất lâm nghiệp nói riêng một cách thiếu nhất quán hiện nay.
Trân trọng!