02/04/2019 09:11

Lừa đảo bằng tin nhắn qua facbook - "Tiền mất tật mang" vì ham trúng thưởng

Lừa đảo bằng tin nhắn qua facbook - "Tiền mất tật mang" vì ham trúng thưởng

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội là phương thức không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy của các đối tượng này. Bằng thủ đoạn lợi dụng tâm lý ham trúng thưởng của người sử dụng, cộng với việc dễ dàng phát tán thông tin qua mạng xã hội, những đối tượng này vẫn liên tục tạo ra những chương trình trúng thưởng, những trang web mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điển hình, thủ đoạn lừa đảo người dùng Facebook bằng cách nhắn tin giả trúng thưởng nở rộ lên thời gian gần đây. Thông qua bản án 37/2018/HS-ST ngày 05/09/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một minh chứng rõ ràng cho loại tội phạm này. Cụ thể:

" Ngày 12/01/2018, Lê Văn V đăng số điện thoại 0899216264 lên wibsite và đổi tên tài khoản facebook thành “Hệ thống” rồi tự tạo một gmail cá nhân tên tài khoản [email protected] truy cập tài khoản trên thông tin qua phần mềm Flus (phần mềm tự động gửi tin nhắn hàng loạt đến các tài khoản khác tên mạng xã hội) gửi tin nhắn nội dung: “Tập đoàn facebook thông báo: xin chúc mừng tài khoản của bạn may mắn được hệ thống công ty facebook lựa chọn ngẫu nhiên và xác nhận là tài khoản trúng được giải nhì từ sự kiện “tuần lễ vàng” tri ân khách hàng facebook năm 2018. Hiện tại (Messenger Facebook) của bạn mang mã số trúng thưởng là MC79HDLD cùng với các giải thưởng hấp dẫn nhằm thu hút người chơi.

Cùng ngày, anh YUR RƠ LA Y nhận được tin nhắn trúng thưởng vào facebook của mình với nội dung nêu trên, tưởng mình trúng thưởng thật, anh Y đã truy cập vào website và liên lạc để gặp V làm thủ tục nhận thưởng. V nhận điện thoại và giả mình là nhân viên chăm sóc khách hàng, giải thích về chương trình trúng thưởng và yêu cầu anh Y phải thanh toán phí làm hồ sơ nhận thưởng là 3.000.000 đồng tại website: tranghoso2018.com dưới hình thức nộp thẻ cào card điện thoại. Anh Y đồng ý làm theo hướng dẫn của V, sau khi chiếm đoạt 3.000.000 đồng, V yêu cầu anh YUR RƠ LA Y thanh toán 10.000.000 đồng thuế VAT, anh Y nộp 10.000.000 đồng. V tiếp tục yêu cầu nộp phí vận chuyển xe 16.200.000 đồng, anh Y nộp 16.200.000 đồng. V tiếp tục yêu cầu anh Y nộp 3.000.000 đồng phí code kích hoạt để nhận tiền, anh Y cũng làm theo yêu cầu của V. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được 32.200.000 đồng bằng thẻ cào card điện thoại từ website: tranghoso2018.com tự động chuyển về tài khoản gmail [email protected] và nộp qua tài khoản game xeng.club để chơi game".

Mọi hành vi lừa đảo đều mang dấu hiệu tội phạm khiến cho nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Do đó, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự 2015 hoặc bị xử lý bằng chế tài hành chính.

Về xử lý trách nhiệm hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về xử lý hành chính:

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đó sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013:

Điều 74. Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản;

b) Lừa đảo qua các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

b) Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.

Khi đã mất tiền cho bọn lừa đảo, việc đòi lại số tiền đã mất là rất khó. Cho nên mọi người nên cẩn thận, cảnh giác trước mọi hình thức lừa đảo. Không chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng mà hãy tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Kim Huệ
2051

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]