19/04/2024 11:46

Lợi dụng việc chăm sóc người khuyết tật để trục lợi từ tiền tài trợ bị xử phạt thế nào?

Lợi dụng việc chăm sóc người khuyết tật để trục lợi từ tiền tài trợ bị xử phạt thế nào?

Xin cho tôi hỏi: Người chăm sóc người khuyết tật nhận tiền tài trợ để trục lợi bản thân thì bị xử phạt như thế nào? Mong được giải đáp! “chị Lan - Yên Bái”.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Lợi dụng việc chăm sóc người khuyết tật để trục lợi từ tiền tài trợ bị xử phạt thế nào?

Căn cứ khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi lợi dụng việc chăm sóc người khuyết tật để trục lợi từ tiền tài trợ như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội

...

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội để trục lợi;

b) Bắt buộc đối tượng bảo trợ xã hội lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

...

Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

...

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền vi phạm hành chính như sau:

Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

...

2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

...

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về chính sách của Nhà nước về người khuyết tật như sau:

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật

...

3. Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.

...

Như vậy, người khuyết tật là đối tượng bảo trợ xã hội. Do đó, người nào có hành vi lợi dụng việc chăm sóc người khuyết tật trục lợi từ tiền tài trợ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm bị buộc nộp lại toàn bộ số tiền tài trợ đã trục lợi. Đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức vi phạm thì áp dụng mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Người nuôi dưỡng người khuyết tật có được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng không?

Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật hàng tháng như sau:

Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

...

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

...

Như vậy, người nuôi dưỡng người khuyết tật được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng nếu đang nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng kể cả là người nhận nuôi dưỡng hay trường hợp gia đình trực tiếp nuôi dưỡng.

Ngoài ra, trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì người chăm sóc, nuôi dưỡng cũng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng.

Những hành vi nào bị nghiêm cấm khi đối xử với người khuyết tật?

Căn cứ Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi đối xử với người khuyết tật.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm thực hiện 07 hành vi sau đối với người khuyết tật, bao gồm:

- Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.

- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

- Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.

- Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc.

- Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.

- Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.

Trân trọng!

Trần Thị Ngọc Huyền
323

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn