Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Hiện này pháp luật chưa quy định thế nào là bạo loạn, tuy nhiên có thể dựa vào quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì có thể hiểu bạo loạn là dùng hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân. Ví dụ như bắn phá, gây nổ, đập phá công sở, cướp tài sản... Những hành vi này nhằm gây rối an ninh chính trị cũng như trật tự, an toàn xã hội. Bạo loạn được coi là một trong những tội nguy hiểm nhất xâm phạm an ninh quốc gia.
- Về hành vi: Người phạm tội thực hiện một hoặc một số các hành vi sau đây:
+ Hoạt động vũ trang: Người phạm tội được trang bị các loại vũ khí (có thể là vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ,...) để hoạt động công khai chống phá chính quyền nhân dân; sẵn sàng tấn công, chống trả các lực lượng chấp pháp của quốc gia.
+ Dùng bạo lực có tổ chức: Lôi kéo, tụ tập nhiều người tại không vũ trang (hoặc có vũ trang nhưng không đáng kể) một khu vực địa lý nhất định (hoặc rộng hơn là trên phạm vi cả nước) nhằm dùng sức mạnh của tập thể để hoạt động công khai chống phá chính quyền nhân dân, sẵn sàng dùng vũ lực để tấn công các lực lượng chấp pháp của quốc gia.
+ Cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Cướp, hủy hoại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây rối trật tự trị an tại một khu vực địa lý nhất định nhằm công khai chống chính quyền nhân dân.
- Về mặt hậu quả: Làm suy yếu hệ thống chính quyền nhân dân; gây thiệt hại về người và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là chống phá chế độ, nhà nước, chính quyền nhân dân, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra;
- Mục đích: Nhằm chống phá chế độ, chống phá nhà nước và chống phá hệ thống chính quyền nhân dân.
- Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến an ninh quốc gia được pháp luật hình sự bảo vệ bao gồm sự vững mạnh của chế độ, Nhà nước, hệ thống chính quyền nhân dân.
- Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
- Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người phạm tội bạo loạn hoặc người lợi dụng dịp Tết để thực hiện hành vi gây bạo loạn sẽ bị phạt tù từ 01 năm đền mức án cao nhất là tử hình tùy theo tính chất và mức độ phạm tội.