Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức 03 đợt H-SCA với quy mô dự kiến hơn 12,000 lượt thí sinh (đối với các đợt 1, đợt 2) và hơn 7,000 lượt thí sinh (đối với đợt 3). Cụ thể, lịch thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 1, 2 và 3 năm 2025 của trường đại học Sư phạm TPHCM như sau:
STT | Các mốc thời gian | Đợt 1 | Đợt 2 | Đợt 3 |
1 | Đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến | 24/2 - 14/3 | 20/4 - 10/5 | 8/6 - 28/6 |
2 | Thông báo thông tin dự thi cho thí sinh | Trước 25/3 | Trước 15/5 | Trước 30/6 |
3 | Lịch thi | 03, 04, 05, 06/4 | 22, 23, 24, 25/5 | 08, 09,10/7 |
4 | Công bố kết quả thi | 18/4 | 6/6 | 18/7 |
5 | Nhận đăng kí phúc khảo | 18/4 - 21/4 | 6/6 - 10/6 | 18/7 - 21/7 |
6 | Công bố kết quả phúc khảo | Trước 28/4 | Trước 28/6 | Trước 28/7 |
7 | Địa điểm thi | Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đà Nẵng, Cần Thơ | Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Huế, Đắk Lắk | Thành phố Hồ Chí Minh |
Lưu ý: Thời gian đăng ký có thể kết thúc sớm hơn khi đủ số lượng đăng ký của mỗi đợt.
Theo thông tin chính thức Chuyên trang đánh giá năng lực chuyên biệt trường đại học Sư phạm TPHCM (https://dgnl.hcmue.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=313&Itemid=242&lang=vi) thì cấu trúc đề thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 như sau:
Từ 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn tiếp tục được thực hiện với các môn thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh với quy mô mở rộng dự kiến không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của Trường mà còn cho các trường đại học khác. Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 sẽ có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc đề thi.
Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều môn thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên Đề án tuyển sinh của Trường. Thông tin chi tiết cấu trúc các bài thi như sau:
*Hình thức dự thi: Thí sinh làm bài thi hoàn toàn trên máy tính.
*Cấu trúc các bài thi
(1) Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học
- Thời gian làm bài: 90 phút.
- Bài thi sẽ gồm 40 câu hỏi, trong đó:
Phần 1: 25 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn (câu hỏi đơn), gồm:
- 20 câu hỏi với dạng thức trắc nghiệm khách quan nhiều phương án lựa chọn, có 1 phương án đúng;
- 05 câu hỏi với dạng thức trắc nghiệm khách quan nhiều phương án lựa chọn, có nhiều hơn 1 phương án đúng
Phần 2: Cho các dữ liệu tổng hợp, khai thác ngữ liệu để trả lời
05 câu hỏi trắc nghiệm khách quan dạng thức 04 phương án lựa chọn, trong đó có 01 đáp áp đúng duy nhất
Phần 3: 10 câu hỏi điền đáp số đúng
(2) Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn
- Thời gian làm bài: 90 phút.
- Bài thi sẽ gồm 22 câu hỏi, trong đó:
Phần 1: Đọc hiểu với 20 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn;
Phần 2: Viết đoạn với 01 câu hỏi tự luận
Phần 3: Viết bài với 01 câu hỏi tự luận.
(3) Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh:
- Thời gian làm bài: 180 phút.
- Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi rất đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
*Nội dung kiến thức trong các bài thi:
Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về đề án tổ chức thi bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Mục đích, tính chất của kỳ thi (kỳ thi tuyển sinh, kỳ thi độc lập hay kỳ thi bổ trợ);
- Kế hoạch tổ chức thi và danh sách các cơ sở đào tạo hợp tác hoặc đã công bố sử dụng kết quả thi;
- Thông tin và minh chứng cho việc đáp ứng đầy đủ năng lực tổ chức thi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT;
- Nội dung quy chế thi (dưới dạng phụ lục hoặc đường dẫn tới tài liệu trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo);
- Hướng dẫn cụ thể cho thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký dự thi và tham gia thi, trong đó có quy định mức thu dịch vụ tổ chức thi.
Lưu ý: Đề án tổ chức thi có thể được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai, nhưng không được gây bất lợi cho thí sinh hoặc làm giảm đi cơ hội tiếp cận kỳ thi thuận lợi và công bằng cho những thí sinh dự tuyển.