Tết Dương lịch (hay còn gọi là Tết tây hay Tết dương) là ngày lễ Tết diễn ra vào ngày 01 tháng 01 hằng năm và cũng là ngày đầu tiên trong năm theo Dương lịch.
Trước đó, từ thời cổ đại, nổi bật là trong lịch sử của Đế Quốc La Mã. Vào thời kỳ này, La Mã là quốc gia đầu tiên chọn ngày 1/1 làm ngày đầu năm mới vào năm 153 trước công nguyên.
Trước đó nữa, ngày 25/3 (ngày phân xuân) được chọn là ngày đầu tiên của năm mới. Ban đầu, phải mất khá nhiều thời gian để người dân chấp nhận sự thay đổi này bởi họ cho rằng ngày 1/1 không gắn liền với thời điểm hoa màu trổ bông hay mùa vụ nào đặc biệt mà chỉ là một ngày bình thường.
Hiện nay, đa số quốc gia trên thế giới đều công nhận ngày 1/1 là khởi đầu của năm mới. Đây là dịp để các gia đình đoàn tụ và là một trong những ngày lễ quan trọng nhất năm ở nhiều nơi. Thông thường, người ta tổ chức bắn pháo hoa khi đồng hồ điểm 0 giờ ngày 1/1. Ngoài ra, học sinh, sinh viên và người lao động thường được nghỉ để chào đón năm mới.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Đồng thời, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Đều Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019.
Tết Dương lịch năm 2025 sẽ rơi vào ngày thứ tư, ngày 01/01/2025.
Như vậy, Tết Dương lịch năm 2025 sẽ rơi vào ngày thứ tư (ngày 01/01/2025), người lao động được nghỉ 1 ngày và được hưởng nguyên lương.
Theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
- Phải được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, tại Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ.
Do đó, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
+ Thời gian làm thêm;
+ Địa điểm làm thêm;
+ Công việc làm thêm.
Như vậy, người lao động có quyền từ chối làm thêm giờ vào các ngày lễ Tết Dương lịch.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động cũng đã quy một số trường hợp người lao động không được từ chối làm thêm giờ. Do vậy, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và người lao động không được từ chối trong những trường hợp này.