24/10/2023 17:39

Lấy phiếu tín nhiệm là gì? Đối tượng nào được lấy phiếu tín nhiệm?

Lấy phiếu tín nhiệm là gì? Đối tượng nào được lấy phiếu tín nhiệm?

Quốc hội đã thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6. Tôi muốn hỏi lấy phiếu tín nhiệm là gì? Đối tượng nào sẽ được lấy phiếu tín nhiệm? “Quốc Anh-Hà Nội”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Lấy phiếu tín nhiệm là gì? Bỏ phiếu tín nhiệm là gì?

Theo Điều 3 Nghị quyết 96/2023/QH15 giải thích từ ngữ thì:

- Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.

- Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

2. Đối tượng nào được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?

Theo Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định về đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm bao gồm:

- Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

+ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

+ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

+ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

+ Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị quyết 96/2023/QH15.

- Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó.

- Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

3. Mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Theo đó, mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được quy định tại Điều 4 Nghị quyết 96/2023/QH15 như sau:

- Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

- Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện theo Nghị quyết 96/2023/QH15 và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bùi Thị Như Ý
5082

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]