24/07/2023 11:57

Lảng tránh việc kí hợp đồng sau khi được công ty đào tạo, NLĐ có phải đền bù chi phí?

Lảng tránh việc kí hợp đồng sau khi được công ty đào tạo, NLĐ có phải đền bù chi phí?

Công ty đào tạo nghề, yêu cầu NLĐ sẽ làm việc cho công ty sau khi hoàn thành, nhưng khi NLĐ học nghề xong thì lảng tránh việc ký hợp đồng lao động. Trong tình huống này thì phải giải quyết như thế nào? Lê Bảo – Đồng Nai

Cụ thể, tại bản án lao động sơ thẩm 09/2022/LĐ-ST về tranh chấp về học nghề, tập nghề có nội dung như sau:

"Ngày 24/5/2021 Công ty K đã ký kết Hợp đồng với chị T về đào tạo nghề trị liệu viên miễn phí và sau khi hoàn thành đào tạo sẽ làm việc cho Công ty với thời hạn tối thiểu là 36 tháng. Chị T không thực hiện đúng sẽ phải hoàn trả toàn bộ chi phí trên. Cùng ngày 24/5/2021, giữa Công ty K và chị T tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng dịch vụ đào tạo số 01 đông y cổ truyền Việt Nam với 22 môn học và tổng chi phí là 110.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đào tạo và bước sang giai đoạn ký kết hợp đồng lao động chị T báo nghỉ phép do có việc gia đình (từ ngày 11/01/2022 đến ngày 13/01/2022) nhưng đến ngày thứ 4 (14/01/2022) chị T không đến Công ty và Công ty cũng không liên lạc được với chị T. Công ty K khởi kiện buộc chị Hà Thị T phải hoàn trả cho công ty K số tiền đào tạo nghề là 100.000.000 đồng."

Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty K và buộc chị Hà Thị T phải bồi hoàn cho Công ty K số tiền 100.000.000đồng chi phí đào tạo nghề.

Về địa điểm giải quyết tranh chấp học nghề, tập nghề

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Đồng thời, tại Điều 9 của Hợp đồng đào tạo nghề giữa các 2 bên có thỏa thuận: “Trường hợp có bất kỳ phát sinh tranh chấp liên quan đến Hợp đồng đào tạo nghề thì hai bên thỏa thuận thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân nơi có trụ sở chính của bên dạy nghề…”.

Như vậy, căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng đúng với quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết, các bên lựa chọn Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để giải quyết tranh chấp là đúng quy định pháp luật.

Lảng tránh việc kí hợp đồng sau khi được công ty đào tạo, NLĐ có phải đền bù chi phí?

Theo nội dung vụ án, chị T đã tham gia khóa học nghề tại công ty K theo cam kết đã ký tại Hợp đồng và phụ lục Hợp đồng cùng ngày 24/5/2021. Việc chị T học xong các môn học được thể hiện tại các chứng từ do Công ty K xuất trình theo Danh sách thi trị liệu viên.

Tuy nhiên, sau khi được đào tạo xong và bước sang giai đoạn ký kết hợp đồng lao động thì chị T báo nghỉ phép do có việc gia đình Công ty K có gửi 02 lần thông báo về địa chỉ nhà chị T nhưng đều bị từ chối nhận.

Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 thì:

Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

1. Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

….

6. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

Có thể thấy, chị T cố tình lảng tránh việc kí kết hợp đồng lao động, do đó chị T đã vi phạm Hợp đồng đào tạo nghề đã ký kết trước đó.

Đồng thời, khi Công ty K khởi kiện chị T tại tòa án. Tòa án đã thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo, niêm yết theo qui định pháp luật yêu cầu chị T đến Tòa án làm việc nhưng chị T không chấp hành triệu tập của Tòa án. Có thể thấy thái độ thiếu hợp tác và không muốn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đã giao kết trước đó.

Theo Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

...

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Theo đó, chị T đã vi phạm hợp đồng đào tạo nghề nên phải bồi thường theo hợp đồng đã ký kết hợp pháp, cụ thể là bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo học nghề. Chi phí học nghề là các khoản chi được quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty K buộc chị T phải số tiền 100.000.000đồng chi phí đào tạo nghề là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật.

Nguyễn Ngọc Trầm
1988

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]