13/09/2024 16:56

Làm từ thiện nhiều có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Làm từ thiện nhiều có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Ngày nay có nhiều đối tượng mặc dù có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nhưng lại là người tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Vậy đối với trường hợp này thì người phạm tội có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?

Làm từ thiện nhiều có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định thì có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau:

(1) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

(2) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

(3) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

(4) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

(5) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

(6) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

(7) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

(8) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

(9) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

(10) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

(11) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

(12) Phạm tội do lạc hậu;

(13) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

(14) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

(15) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

(16) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

(17) Người phạm tội tự thú;

(18) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

(19) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

(20) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

(21) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

(22) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Theo đó, pháp luật hiện hành không có nêu rõ cụ thể về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người làm từ thiện nhiều.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 có quy định rằng:

"Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án."

Như vậy, từ những quy định nêu trên ta có thể thấy rằng việc làm từ thiện nhiều có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào quyết định của Tòa án. Khi đó Tòa án phải ghi rõ lý do giảm nhẹ hình phạt vào trong bản án.

Thực tiễn về trường hợp người làm từ thiện nhiều được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Bạn đọc có thể tham khảo tình huống tại Bản án về tội trốn thuế số 65/2023/HS-ST do tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử có nội dung như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn T4 được thành lập và cấp giấp phép đăng ký hoạt động hoạt động kinh doanh tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh H vào ngày 30/3/2021. Người đại diện theo pháp luật của công ty là Trần Đình D, chức vụ Giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty là: Khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và bán buôn xuất nhập khẩu thủy sản, thịt và các sản phẩm từ thịt… Trong quá trình hoạt động kinh doanh từ ngày 30/3/2021 đến ngày 31/3/2022, nhằm mục đích trốn số tiền thuế giá trị gia tăng 05% phải nộp khi Công ty T4 bán hàng là thủy, hải sản chưa chế biến, sơ chế cho khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh, Trần Đình D đã chỉ đạo và điều hành Nguyễn Thị T1 (Kế toán công ty) xuất khống 16.052 số hóa đơn giá trị gia tăng của công ty T4 cho 688 doanh nghiệp để Nguyễn Thị T1 kê khai doanh thu bán ra không tính thuế trên hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn là 300.238.812.033 đồng, Công ty T4 đã trốn thuế giá trị gia tăng số tiền là 15.011.940.602 đồng. 

...

Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã nhận định về bị cáo D như sau: Bị cáo Trần Đình D được áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”; bố bị cáo là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; năm 2022 bị cáo được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã K tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong quá trình kinh doanh, sản xuất tại địa phương; ngày 21/8/2023 được UBND thị xã K có văn bản gửi Tòa án đề nghị cho bị cáo D được chấp hành án cải tạo tại địa phương vì công ty của bị cáo đã có nhiều đóng góp cho địa phương về ngân sách, các hoạt động xã hội, từ thiện và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân; ngày 14/8/2023 toàn bộ nhân viên đang làm việc tại Công ty T4 làm đơn xin Tòa án cho bị cáo D được cải tạo tại địa phương để tiếp tục điều hành công ty, tạo công ăn việc làm cho họ vì đó là công việc chính mang lại thu nhập để họ nuôi các con ăn học; bị cáo được đại diện nguyên đơn dân sự chi cục thuế khu vực K1 đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo cải tạo giáo dục tại địa phương, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Như vậy tại Bản án nêu trên, Hội đồng xét xử đã nhận định rằng tình tiết: "có nhiều đóng góp cho địa phương về ngân sách; các hoạt động xã hội, từ thiện và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân" là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, việc làm từ thiện nhiều có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào quyết định của Tòa án.

Cũng cần lưu ý thêm rằng bên cạnh những người làm từ thiện với mong muốn được hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn thì còn có một số đối tượng lợi dụng việc từ thiện để nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, xem đó như một tấm "bình phong để nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ như: xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ nhưng thực chất là đang lợi dụng những trẻ này để thực hiện những việc làm phạm pháp nhằm trục lợi; kêu gọi quyên góp tiền từ thiện để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa bão nhưng thực chất chỉ nhằm trục lợi cho bản thân,...

Những đối tượng này không những không được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn có thể bị xử lý nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
554

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]