01/12/2023 19:09

Làm hòa giải viên thương mại cần tiêu chuẩn gì?

Làm hòa giải viên thương mại cần tiêu chuẩn gì?

Tôi muốn hỏi hòa giải thương mại là gì? Làm hòa giải viên thương mại cần tiêu chuẩn gì?_Hoài Thương(Bạc Liêu)

 Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hòa giải thương mại là gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP định nghĩa Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Nguyên tắc hòa giải tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì có 03 nguyên tắc hòa giải tranh chấp bằng hòa giải thương mại như sau:

(1) Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

(2) Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

(3) Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Đồng thời, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.(Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại)

2. Làm hòa giải viên thương mại cần tiêu chuẩn gì?

Hòa giải viên thương mại là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP định nghĩa Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.

Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại như sau:

- Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:

+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;

+ Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;

+ Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.

- Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

- Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.

Theo quy định trên, để làm hòa giải viên thương mại cần đáp ứng 03 tiêu chuẩn:

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;

- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.

Đồng thời, hòa giải viên thương mại không thuộc các trường hợp bị cấm như:

- không thuộc diện bị can, bị cáo hoặc đang chấp hành hình phạt;

- Không đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

Như vậy để trở thành hòa giải viên thương mại cần đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, kinh nghiệm và không thuộc các trường hợp bị cấm theo quy định.

3. Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc

Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc được quy định tại Điều 8 Nghị định 22/2017/NĐ-CP cụ thể:

- Người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp.

Hồ sơ bao gồm:

+ Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng sau đại học;

+ Giấy tờ chứng minh đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

Mẫu đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/mau-dang-ky-lam-hoa-giai-vien-thuong-mai.doc

Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc và công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Sở; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hòa giải viên thương mại vụ việc thôi làm hòa giải thương mại vụ việc thì gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc. Sở Tư pháp xóa tên hòa giải viên thương mại đó khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của Sở.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hòa giải viên thương mại vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký. Sở Tư pháp tiến hành xem xét, xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc đó khỏi danh sách của Sở.

Lưu ý:

- Người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú.

- Trường hợp người đề nghị đăng ký là người nước ngoài thì đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó tạm trú.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
531

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn