10/11/2023 16:39

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khác nhau thế nào?

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khác nhau thế nào?

Tôi muốn hỏi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đều là những tội phạm về chức vụ, vậy hai tội này có điểm gì khác nhau? “Mai Anh-Hà Nội”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về "lạm dụng chức vụ, quyền hạn" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn"  

Tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC có giải thích:

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

2. Sự tương đồng giữa tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Thứ nhất, về chủ thể:

Chủ thể cả 02 tội phạm này đều là người từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và có dấu hiệu chủ thể đặc biệt.

Người phạm tội của 02 tội này đều là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của điều 352 Bộ luật hình sự 2015.

Thứ hai, về khách thể:

Cả 02 tội đều xâm phạm đến quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

3. Điểm khác nhau giữa tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” 

Thứ nhất, về mặt chủ quan:

Cả 02 tội đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Tuy nhiên, đối với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” thì động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, động cơ là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì  động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, động cơ là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

Động cơ vụ lợi có thể hiểu là mong muốn lợi ích vật chất, tinh thần cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Động cơ cá nhân khác là vì lợi ích phi vật chất như để nể nang, củng cố uy tín, địa vị cá nhân.

Thứ hai, về mặt khách quan:

- Đối với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”:

Hành vi khách quan của tội này là việc vượt quá quyền hạn đã có nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi này chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở chức vụ và quyền hạn đã được người phạm tội sở hữu.

Hậu quả của tội này là người phạm tội phải thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của người khác để tạo thành tội phạm. Tuy nhiên, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc trong việc xác định tội phạm này.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”:

Hành vi khách quan của tội này là lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vi phạm, không tuân thủ hoặc thực hiện không đúng theo công vụ.

Hậu quả của hành vi tội phạm này mang tính nguy hiểm cho xã hội và được xem là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong việc xác định tội phạm.

4. Bản án về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Một số bản án về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có thể tham khảo như:

Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 734/2022/HS-PT

Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 31/2022/HS-ST

Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 44/2022/HS-ST

Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 07/2022/HS-PT

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 37/2023/HS-PT

Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 15/2023/HS-PT

Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 114/2022/HS-ST

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 741/2022/HS-PT.

Bùi Thị Như Ý
17522

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]