27/10/2021 15:12

Làm bạn gái có bầu nhưng không chịu nhận – Hậu quả pháp lý

Làm bạn gái có bầu nhưng không chịu nhận – Hậu quả pháp lý

Thực tế có khá nhiều trường hợp các anh chàng khi yêu thì hứa hẹn đủ điều nhưng khi đã làm bạn gái có bầu thì thoái thác trách nhiệm, không chịu nhận đứa trẻ là con của mình. Vậy đối với những trường hợp này thì người bạn gái có thể buộc người bạn trai chịu trách nhiệm cũng như bồi thường cho mình không?

Điển hình tại Bản án 21/2017/HNGĐ-ST ngày 29/09/2017 về tranh chấp xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con, đòi bồi thường sức khỏe, danh dự nhân phẩm do bị xâm phạm, theo đó:

Cuối năm 2014, chị A và anh B quen biết và có tình cảm với nhau. Anh B nhiều lần hứa hẹn sẽ tiến tới hôn nhân nên chị A và anh B đã có nhiều lần quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Đến tháng 6/2015, chị A biết mình có thai được khoảng 04 (bốn) tháng thì cha mẹ ruột chị A phát hiện. Cha mẹ chị A đã đến nhà anh B để nói chuyện tiến tới hôn nhân cho chị A và anh B nhưng anh B cùng gia đình đã không đồng ý vì lý do bào thai không phải do B gây ra. Sau thời gian trên, gia đình anh B đã tiến hành tổ chức đám cưới cho anh B và chị L. Ngày 01/11/2015, chị A đã hạ sinh một bé trai và đặt tên cháu là O.

Trước sự bội bạc, vô nhân tính của anh B, chị A yêu cầu Tòa án nhân dân huyện P xác định anh B là cha ruột của cháu O, yêu cầu anh B cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi cháu O đủ 18 tuổi. Đồng thời, chị A yêu cầu anh B bồi thường về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho chị A 117.500.000 đồng (trong đó: Tiền bồi thường về danh dự, nhân phẩm là 50 tháng lương cơ bản với số tiền 60.500.000đồng; tiền bồi dưỡng trước và sau sinh 51.000.000 đồng; tiền sinh tại bệnh viện, tiền thuốc, tiền xe 6.000.000 đồng). 

Tòa án nhân dân huyện P tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị A.

- Xác định anh B là cha ruột của O, sinh ngày 01/11/2015. Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân (cha-con) phát sinh ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật và chị A, anh B có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điền tên cha là B vào giấy khai sinh của cháu O nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan.

- Buộc anh B có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu O mỗi năm 12 triệu đồng (1.000.000đồng/ tháng), thời gian cấp dưỡng tính từ ngày cháu O được sinh ra cho đến khi thành niên.

- Buộc anh B phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe do bị xâm phạm cho chị A với tổng số tiền 52.744.681 đồng.

 Có thể thấy rằng Tòa án đã căn cứ vào Khoản 2 Điều 68, 69 và Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để buộc anh B có nghĩa vụ nhận con và cấp dưỡng nuôi con chung giữa anh B và chị A.

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

…2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

...2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

...2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

 Ngoài ra theo bản án thì anh B ngoài có nghĩa vụ đối với con của mình thì còn phải bồi thường cho chị A một khoản tiền tương ứng với chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; bồi dưỡng trước và sau sinh và bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015."

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, việc anh B làm chị A có bầu nhưng không chịu nhận thì anh B đã phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật từ việc phải cấp dưỡng nuôi con đến việc phải bồi thường tổn hại về sức khỏe và tinh thần cho chị A.

Nguyễn Sáng
8774

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]