28/02/2019 10:56

Lái xe mô tô mượn được gây tai nạn - ai sẽ là người bồi thường?

Lái xe mô tô mượn được gây tai nạn - ai sẽ là người bồi thường?

Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu đi lại không ngừng tăng cao, kéo theo đó là tình trạng tai nạn giao thông cũng xảy ra càng nhiều. Việc giải quyết hậu quả do tai nạn giao thông gây ra là một vấn đề khó khăn, trong đó việc ai sẽ là người bồi thường trong trường hợp tai nạn xảy ra khi chủ sở hữu cho người quen mượn xe là một vấn đề thường gặp phải.

Theo quy định của pháp luật, việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có một số lưu ý sau:

Thứ nhất, khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây thiệt hại cần phải xác định đó có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 (nay là Khoản 1 Điều 601 BLDS 2015) thì:

“Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”

Căn cứ Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 thì:

“Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Thứ hai, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (căn cứ Khoản 2 Điều 623 BLDS 2005, Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015).

Thứ ba, căn cứ Khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 (Khoản 3 Điều 601 BLDS 2015) chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ tư, căn cứ Khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 (Khoản 4 Điều 601 BLDS 2015) trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại, nếu chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi, đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, chủ sở hữu của phương tiện giao thông nói chung và của phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ nói riêng khi giao phương tiện cho người khác (cho mượn, cho thuê…) cần phải cẩn thận xem xét điều kiện của người đó (giấy phép lái xe, năng lực hành vi dân sự…), thỏa thuận cụ thể giữa các bên (về bồi thường khi có tai nạn…) để tránh liên quan đến những vấn đề thuộc pháp luật hình sự (Điều 264 Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ…) và pháp luật dân sự.

Điển hình, tại Bản án 103/2018/DS-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử vụ án với nội dung như sau:

L điều khiển xe mô tô (là xe của bà D, do M con bà D quản lý sử dụng), chạy về nhà với tốc độ 50km/h. Khi chạy đến đoạn đường cong thì L phát hiện xe mô tô do anh K điều khiển chạy theo hướng ngược chiều. Do hai bên không xử lí kịp nên dẫn đến va chạm, hậu quả anh K tử vong do chấn thương não. Nguyên nhân do hai bên cùng có lỗi: L điều khiển xe trong tình trạng say rượu, không có giấy phép lái xe và chạy quá tốc độ, K có lỗi chính là chạy xe lấn sang phần đường bên trái.

Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định buộc anh Lê Minh L, bà Lê Thị Kiều D và anh Đinh Quang M liên đới bồi thường thiệt hại tính mạng.

Đối chiếu tình tiết vụ án với những quy định của pháp luật nêu trên thì hướng giải quyết của Tòa án là phù hợp. Bởi, bà D và anh M đã không tuân thủ các quy định về trông giữ nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật (không rút chìa khóa ra khỏi xe). Từ đó, tạo điều kiện cho L lấy xe sử dụng trái pháp luật (sử dụng khi không được cho phép, không có giấy phép lái xe). Chính vì vậy mà bà D, anh M và L phải liên đới bồi thường thiệt hại cho chị H.

Như vậy, mỗi người cần có ý thức tự bảo quản, trông giữ… tài sản của mình nói chung, tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ nói riêng, cũng như cần cân nhắc, thỏa thuận cụ thể khi cho người khác mượn, thuê… tài sản đó của mình để đảm bảo lợi ích của bản thân.

Ngọc Nhi
2161

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn