29/07/2024 09:53

Không xuất hóa đơn khi bán hàng bị xử phạt bao nhiêu? Trường hợp nào không bắt buộc xuất hóa đơn?

Không xuất hóa đơn khi bán hàng bị xử phạt bao nhiêu? Trường hợp nào không bắt buộc xuất hóa đơn?

Người bán hàng không xuất hóa đơn và đưa cho người mua thì bị xử phạt bao nhiêu? Có trường hợp nào ngoại lệ không bắt buộc xuất hóa đơn?

1. Không xuất hóa đơn khi bán hàng bị xử phạt bao nhiêu? 

Theo Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ như sau:

Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người mua có yêu cầu.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

Như vậy, không xuất hóa đơn khi bán hàng bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải lập hóa đơn theo quy định nếu người mua yêu cầu. 

2. Trường hợp nào người bán hàng không bắt buộc xuất hóa đơn?

Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

Điều 90. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

2. Trường hợp người bán có sử dụng máy tính tiền thì người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

3. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế.

4. Việc cấp mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Như vậy, theo nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ thì người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua chỉ trừ trường hợp: Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

3. Thời điểm người bán hàng hóa lập hóa đơn khi nào?

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn như sau:

Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn

1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

...

Như vậy, thời điểm lập hóa đơn, người bán hàng phải xuất hóa đơn khi chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng hàng hóa, bất kể đã thu tiền hay chưa. Đối với dịch vụ, hóa đơn được lập khi hoàn thành cung cấp dịch vụ hoặc khi thu tiền trước/trong quá trình cung cấp, ngoại trừ tiền đặt cọc cho một số dịch vụ cụ thể. Trong trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng phần dịch vụ, mỗi lần đều phải lập hóa đơn tương ứng. 

Nguyễn Ngọc Trầm
5803

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]