Điểm đ, khoản 1 Điều 66 của BLHS, quy định người đang chấp hành án phạt tù chung thân được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện khi đã chấp hành được ít nhất 15 năm nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Tuy nhiên, quy định này hiện nay còn có cách hiểu khác nhau, không thống nhất. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời hạn đã chấp hành 15 năm tù không bao gồm thời hạn 12 năm đã chấp hành án phạt tù trước đó khi xét giảm mức hình phạt đã tuyên theo quy định tại Điều 63 của BLHS. Do đó, người đang chấp hành án phạt tù chung thân sau khi được giảm mức hình phạt đã tuyên xuống còn 30 năm tù, phải tiếp tục thi hành án ít nhất thêm 15 năm tù mới có thể được xét tha tù trước hạn có điều kiện. Như vậy, người chấp hành án phải thi hành thực tế tổng cộng ít nhất 27 năm tù là có thể được tha tù trước thời hạn.
Quan điểm thứ hai cho rằng, thời hạn đã chấp hành 15 năm tù bao gồm thời hạn 12 năm đã chấp hành án phạt tù trước đó khi xét giảm mức hình phạt đã tuyên theo quy định tại Điều 63 của BLHS. Do đó, người đang chấp hành án phạt tù chung thân sau khi được giảm mức hình phạt đã tuyên xuống còn 30 năm tù, cần tiếp tục thi hành án ít nhất thêm 03 năm tù mới có thể được xét tha tù trước hạn có điều kiện. Như vậy, người chấp hành án phải thi hành thực tế tổng cộng ít nhất 15 năm tù là có thể được tha tù trước thời hạn.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất. Quan điểm này, phù hợp với lý luận về chính sách hình sự khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để xem xét, quyết định, cũng như việc phân loại tội phạm và bảo đảm tính công bằng đối với mọi đối tượng phạm tội.
Ví dụ: Nếu theo quan điểm thứ hai thì trường hợp người bị kết án phạt tù chung thân, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm mức hình phạt đã tuyên xuống còn 30 năm tù, có thể được xét tha tù (thời hạn thực tế chấp hành án phạt tù chỉ cần 15 năm tù), nhưng người bị phạt tù có thời hạn mà tổng hợp hình phạt tù 30 năm thì không được xét tha tù. Như vậy, chúng ta thấy chính sách hình sự giữa hai đối tượng này là thiếu công bằng.
Đây là vấn đề vướng mắc, cần được tháo gỡ, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thống nhất áp dụng pháp luật, tác giả rất mong nhận được ý kiến thảo luận của quý độc giả/.
Nguồn: Tạp chí Toà án