07/10/2024 09:36

Bỏ quy định giám sát CSGT làm nhiệm vụ bằng thiết bị ghi âm, ghi hình từ 15/11

Bỏ quy định giám sát CSGT làm nhiệm vụ bằng thiết bị ghi âm, ghi hình từ 15/11

Có phải theo quy định mới thì người dân sẽ không được giám sát CSGT làm nhiệm vụ bằng thiết bị ghi âm, ghi hình đúng không?

Ngày 30/9/2024, Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thông tư 46/2024/TT-BCA sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.

Bỏ quy định giám sát CSGT làm nhiệm vụ bằng thiết bị ghi âm, ghi hình từ 15/11

Cụ thể, tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau:

Hình thức giám sát của nhân dân

1. Nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:

a) Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

d) Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

đ) Quan sát trực tiếp công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

2. Việc giám sát của Nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;

b) Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;

c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trong khi đó theo quy định hiện hành (Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA) thì người dân có thể giám sát CSGT thông qua các hình thức:

- Qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

+ Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

+ Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, thì từ ngày Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành (ngày 15/11/2024), quy định về giám sát CSGT bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó vẫn sẽ giữ nguyên quy định về hình thức quan sát trực tiếp công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của CSGT nhưng phải đáp ứng các điều kiện:

- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;

- Không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Người dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao qua những hình thức nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi Điều 8 Thông tư 67/2019/TT-BCA thì từ ngày 15/11/2024, người dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông qua những hình thức sau:

- Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an.

- Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý.

- Thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử; tài khoản mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng trên thiết bị điện tử do cơ quan công an lập và quản lý.

- Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập.

- Thông qua các cuộc điều tra xã hội học.

- Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.

Khi tham gia, người dân có thể ý kiến về:

- Chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

- Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của Nhân dân theo quy định pháp luật);

- Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ.

(Căn cứ Điều 7 Thông tư 67/2019/TT-BCA).

Đỗ Minh Hiếu
1802

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]