Tại Bản án hôn nhân gia đình số 38/2018/HNGĐ-ST ngày 18/07/2018 về ly hôn có nội dung cụ thể như sau:
“Chị TTT và anh NVC kết hôn năm 1997, có đăng ký kết hôn, sau khi chung sống được khoảng 3 đến 4 tháng chị T cảm thấy không hợp với anh C nên đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở và không qua lại với anh C. Nay chị TTT xác định tình cảm vợ chồng không có nên chị xin được ly hôn với anh C để cả hai ổn định cuộc sống.
Anh C xác định anh và chị T không có tình cảm nhưng do anh C theo đạo Thiên Chúa nên anh không ký văn bản, giấy tờ liên quan đến việc ly hôn”
Tòa án nhân dân huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội chấp nhận chị TTT được ly hôn anh NVC.
Những người theo đạo Thiên Chúa luôn đề cao quan điểm giáo lý “hôn nhân là vĩnh cửu” nên không chấp nhận việc ly hôn giữa vợ và chồng. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, không ai có quyền được cấm đoán việc ly hôn.
Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1.
2. Cấm các hành vi sau đây:
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
…
Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cản trở ly hôn là một trong những điều cấm của luật. Mọi cá nhân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng đều bình đẳng với nhau và đều có quyền được ly hôn. Việc ly hôn với người bên đạo được giải quyết hoàn toàn giống với thủ tục ly hôn thông thường.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Do đó, trong trường hợp này anh C không đồng ý ký văn bản, giấy tờ liên quan đến việc ly hôn thì chị T có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương khi có các căn cứ như: chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng; cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Theo như trình bày của chị T và anh C thì sau khi kết hôn, cả hai chung sống với nhau được một thời gian ngắn khoảng 3 đến 4 tháng thì chị T về nhà bố mẹ sinh sống. Như vây, hôn nhân của hai người không thể hàn gắn được. Xét thấy, Tòa án chấp nhận cho chị T ly hôn với anh C là hợp lý.
Tuy mối quan hệ hôn nhân là với người theo đạo Thiên Chúa nhưng với tư cách là công dân của Việt Nam thì cần thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam. Nếu không thể giải quyết thuận tình ly hôn thì bên còn lại có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương và quy trình giải quyết giống như thủ tục ly hôn thông thường.