Cụ thể: Tại Bản án 47/2017/DS-ST ngày 08/09/2017 về kiện chia di sản thừa kế.
“Bà Vũ Thị L kết hôn với ông Nguyễn Văn S vào năm 1978, vợ chồng bà không có con chung. Trước đó, ông S đã có vợ và có một con riêng tên là Nguyễn Quang S. Vợ chồng bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 100 m2 tại thửa số 68, tờ bản đồ số 21 xã Hải Giang vào ngày 08-7-1998. Trước khi chết ông S đã nhờ ông Mai Văn Đông viết giúp bản di chúc chung của vợ chồng, sau đó ông đưa cho bà L cùng ký. Nội dung của bản di chúc là để lại hết thổ đất cho ông Nguyễn Quang S. Đến nay bà L hoàn toàn không nhất trí với nội dung bản di chúc, đề nghị Tòa án hủy bỏ bản di chúc, chia thừa kế của ông S để lại theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhận định: Thửa đất 100 m2 trên là tài sản chung của vợ chồng ông S và bà L nên di sản thừa kế của ông S được xác định 1/2 thổ đất có diện tích 100: 2 = 50 m2. Mặc dù trong nội dung của bản di chúc ông S không cho bà L được hưởng phần di sản của ông S nhưng theo quy định pháp luật bà L vẫn được hưởng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Phần di sản còn lại sẽ được chia hết cho ông S.
Tòa án quyết định: Chia cho bà L được quyền quản lý, sử dụng diện tích 100 m2 đất ở tại thửa số 68 nêu trên nhưng bà L phải thanh toán cho ông Nguyễn Quang S 38.000.000đ.”
Ai cũng có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc pháp luật. Trong đó, có những người dù không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế.
Đối chiếu với quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được tòa án áp dụng như sau:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Trong trường hợp trên thì bà L là vợ ông S nên bà L sẽ được thừa kế tài sản của ông S theo đúng quy định của pháp luật dù trong di chúc ông S đã để lại toàn bộ tài sản cho con riêng của ông đi chăng nữa.
Những người không có tên trong di chúc vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
Tương tự, trường hợp người để lại di chúc chỉ cho họ hưởng di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, thì những đối tượng này vẫn được hưởng bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, trong cuộc sống khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì chúng ta nên tìm hiểu những quy định của pháp luật có liên quan để có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.