Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi tham gia giao thông, người lái xe máy phải mang theo các giấy tờ bao gồm:
- Giấy đăng ký xe (Hay còn gọi là cà vẹt xe);
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.
Vì vậy nếu không có bảo hiểm xe máy (Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe) mà vẫn tham gia giao thông thì chủ xe đã vi phạm quy định pháp luật về giấy tờ xe và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
...
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.
...
Chiếu theo quy định nêu trên, nếu không có bảo hiểm xe máy khi tham gia giao thông thì chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Những hành vi khác như không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe cũng có thể bị phạt số tiền tương đương.
Tại Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP có quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy bắt buộc như sau:
Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
+ Biển số xe và số khung, số máy.
+ Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.
+ Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
+ Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
+ Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
+ Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy bắt buộc bản điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung trên.
Như vậy, người dân có thể sử dụng bảo hiểm xe máy điện tử thay cho bản giấy khi tham gia giao thông trong trường hợp bảo hiểm xe máy điện tử phản ánh đầy đủ các nội dung nêu trên.
Cho nên, nếu không muốn mang bảo hiểm xe máy bản giấy thì người dân hoàn toàn có thể mua bảo hiểm xe máy điện tử trên các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử và xuất trình bảo hiểm xe máy điện tử trên điện thoại di động khi có CSGT kiểm tra.
Trân trọng!