14/08/2020 08:31

Không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với phạm nhân

Không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với phạm nhân

Hiện nay, còn quan điểm khác nhau trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ.

Để bảo đảm việc áp dụng biện pháp tạm giam đúng quy định, cần thống nhất về mặt lý luận và thực tiễn rằng “Không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với phạm nhân là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự khác”, vì:

Thứ nhất, không có căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo đang là phạm nhân trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, nếu phạm nhân/bị can/bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam họ sẽ đồng thời thi hành cả hai quyết định đó là (1) quyết định thi hành án phạt tù đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; (2) quyết định/lệnh tạm giam.

Đối với quyết định thi hành án phạt tù: quyết định này vẫn được thi hành, vì trường hợp này không thuộc trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, khi họ là bị can/bị cáo trong vụ án khác cần phải trích xuất để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì  “Thời gian trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp phạm nhân đó bỏ trốn trong thời gian được trích xuất”  theo quy định tại khoản 9 Điều 40 của Luật Thi hành án hình sự.

Đối với quyết định/lệnh tạm giam: thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự. Do đó, trường hợp họ bị kết án bởi bản án sau thì Tòa án phải trừ thời gian tạm giam cho họ.

Như vậy, phạm nhân/bị can/bị cáo trong trường hợp này được trừ 02 lần về thời hạn chấp hành án phạt tù. Điều này trái với quy định về tổng hợp hình phạt tù quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 40 của Luật Thi hành án hình sự thì trường hợp phạm nhân là bị can, bị cáo trong vụ án khác nếu có yêu cầu trích xuất để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân.

“Lệnh trích xuất” trong trường hợp này là một trong những “lệnh, quyết định” được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT thì “Trường hợp phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải bảo đảm thực hiện chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được trích xuất theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian trích xuất”.

Hướng dẫn như vậy là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam để bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử không gặp phải khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết vụ án./.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

3008

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]