Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 thì khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Đông thời, tại khoản 5 và khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 cũng quy định khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, hoạt động khoáng sản chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. (Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010)
Theo Điều 8 Luật Khoáng sản 2010 quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động khoáng sản như sau:
- Lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.
- Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.
- Cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật nhà nước.
- Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm.
- Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì khai thác khoáng sản trái phép là hành vi khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hành vi khai thác khoáng sản trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự cụ thể:
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:
(1) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền dựa trên tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện, cụ thể như sau:
- Dưới 10 m3 thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Từ 10 m3 đến dưới 20 m3: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
- Từ 20 m3 đến dưới 30 m3: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Từ 30 m3 đến dưới 40 m3: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Từ 40 m3 đến dưới 50 m3: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
- Từ 50 m3 trở lên: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(2) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác
Trừ trường hợp quy định tại (1) và (3) thì hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác sẽ bị phạt tiền như sau:
- Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
- Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP;
- Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trừ khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
(3) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại
- Dưới 100 tấn: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
- Từ 100 tấn đến dưới 200 tấn: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
- Từ 200 tấn đến dưới 300 tấn: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
- Từ 300 tấn đến dưới 400 tấn: Phát tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng;
- Từ 400 tấn đến dưới 500 tấn: Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng;
- Từ 500 tấn trở lên: Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
(4) Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản (1), (2) và (3). (Theo quy định tại Điểm b Khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
(5) Biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;
- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại (1), (2) và (3).
Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại (1), (2) và (3). Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như (4).
- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại (1), (2) và (3) trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. (Được bổ sung tại Điểm b Khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
Theo quy định Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:
Đối với cá nhân
Khung 1:
- Người nào vi phạm quy định về khai thác khoáng sản của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2:
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức;
+ Gây sự cố môi trường;
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Đối với pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Khoản 4 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, thì bị phạt như sau:
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khung 1 (đối với cá nhân), thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khung 2 (đối với cá nhân), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, đối với cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép có thể bị phạt tù đến 07 năm. Đối với pháp nhân thương mại vi phạm quy định trên có thể bị đình chỉ, cấm hoạt động hoặc cấm huy động vốn lên đến 3 năm.