05/06/2024 10:32

Khoản tiền bảo hiểm của người lao động có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Khoản tiền bảo hiểm của người lao động có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Cho tôi hỏi số tiền công ty chi trả cho mức đóng khoản tiền bảo hiểm theo kỳ trả lương của NLĐ có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN? (Anh Phát_Lạng Sơn)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khoản tiền bảo hiểm của người lao động có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Để giải đáp vướng mắc "Khoản tiền bảo hiểm của người lao động có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?" thì tại Công văn 28132/CTHN-TTHT Cục Thuế TP Hà Nội có các kiến nghị cho chính sách thuế đối với khoản tiền bảo hiểm của người lao động như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cụ thể, trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Căn cứ tại khoản 2 điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập chịu thuế như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

...

Tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công cho các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

Như vậy, căn cứ từ những quy định nêu trên, trường hợp Công ty chi trả số tiền tương đương với khoản tiền bảo hiểm của người lao động theo kỳ trả lương cho người lao động thì về nguyên tắc, các khoản chi đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, cụ thể:

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Lưu ý: Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với phần vượt mức quy định của pháp luật của khoản chi nêu trên.

2. Khi nào phải tạm dừng đóng BHXH bắt buộc?

Theo Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc với các trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian không quá 12 tháng. Và khi hết thời hạn tạm dừng đóng thì người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.

Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Ngoài ra, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

Trân trọng!

Lê Thị Hồng Mai
3639

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]