Theo Công văn 6142/BTC-CST năm 2016 về chính sách thuế đối với giá và khoản phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, Bộ Tài chính đã nêu rõ về các khoản phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển) như sau:
Khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển phụ (Surcharges) có tác dụng bù đắp trực tiếp vào giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển chính (Freight) mỗi khi có những biến động lớn làm giảm nguồn thu của người vận chuyển từ giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và sẽ mất đi khi biến động mất đi, đồng thời phải do người thanh toán giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (người có quyền thuê tàu - xuất CIF, nhập FOB) thanh toán.
Khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển bao gồm:
- Phụ thu dịch vụ xếp dỡ container (THC);
- Phụ thu cước xăng dầu EBS/BUC/FRC;
- Phụ thu mất cân bằng container;
- Phụ thu (ASC-STS-ARS-EBS) theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển;
- Phụ thu biến động tỷ giá tiền tệ;
- Phụ thu tắc nghẽn cảng;
- Phụ thu mùa cao điểm;
- Phụ thu vận tải mùa đông;
- Phụ thu thời tiết xấu;
- Phụ thu rủi ro khẩn cấp (ERC);
- Phụ thu rủi ro chiến tranh.
Cũng tại Công văn 6142/BTC-CST năm 2016, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về vấn đề này như sau:
Căn cứ Điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo đó, khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu nước ngoài không thuộc đối tượng phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Căn cứ điểm b.6 khoản 1 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định như sau:
“b.6) Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải biển được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hóa đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Việt Nam.
Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế TNDN không bao gồm tiền cước đã tính thuế TNDN tại cảng Việt Nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ cảng Việt Nam đến một cảng trung gian”.
Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định tỷ lệ (%) thuế TNDN trên doanh thu tính thuế đối với vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không) là 2%.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển đối với chiều từ Việt Nam đi nước ngoài (bên Việt Nam xuất khẩu hàng hóa theo điều kiện CIF) thuộc đối tượng áp dụng thuế TNDN với tỷ lệ 2% trên doanh thu.
Trường hợp bên Việt Nam nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện FOB thì khoản phụ thu theo giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không phải kê khai, tính nộp thuế TNDN.