04/03/2021 11:55

Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 332 BLHS năm 2015

Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 332 BLHS năm 2015

Điều 332 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với loại tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

1. Khó khăn, vướng mắc

Một là, có sự quy định không đồng nhất về phần quy định hành vi giữa Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015BLHS năm 2015Tại khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”, phần quy định hành vi của điều luật này có hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”; trong khi đó, Điều 332 BLHS với kết cấu tên điều luật là: “Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, ở phần quy định hành vi, các nhà làm luật liệt kê các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng lại không có hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, mặc dù hành vi này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính đúng đắn của trật tự quản lý hành chính. Trên thực tế, đã gây khó khăn khi xử lý hình sự đối với hành vi này.

Hai là, khoản 1 Điều 332 BLHS quy định: “… đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… mà còn vi phạm…”. Đây là điều kiện đủ để cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Như vậy, giả sử một người có hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự vào ngày 15/11/2020, đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính và người đó đã chấp hành xong vào ngày 20/11/2020, thì sau ngày 20/11/2021, cá nhân đó được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Đến ngày 25/11/2021, địa phương tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2022 và cá nhân đó tiếp tục vi phạm và bị xử lý hành chính. Với quy định trên thì cá nhân đó coi như mới vi phạm lần đầu, chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự, không bảo đảm được tính giáo dục và răn đe.

Ba là, các văn bản dưới luật quy định chưa chặt chẽ, chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức phòng ngừa loại tội phạm này.

Thứ nhất, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (Nghị định 120) quy định hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt còn nhẹ so với điều kiện, khả năng của cá nhân có hành vi vi phạm. Mức phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 120 là 1.200.000 đồng, so sánh với giá cả thị trường hiện tại, một cá nhân đang làm việc ổn định tại một địa phương ở xa, với chi phí bỏ ra cho tiền tàu, xe, tiền chi tiêu… khi về địa phương theo lệnh gọi có thể lớn hơn nhiều. Chính vì vậy mà họ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt hơn là bỏ công việc hiện tại.

Thứ hai, khi cơ quan quân sự ở địa phương giao lệnh gọi công dân trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, rất ít trường hợp cá nhân đó nhận lệnh trực tiếp mà hầu như gia đình nhận thay, khi vi phạm xảy ra, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khó có thể chứng minh được hành vi vi phạm thuộc về cá nhân hay về phía gia đình mà áp dụng pháp luật cho đúng, bởi Nghị định 120 quy định chủ thể bị xử phạt ở Điều 6 và Điều 9 là khác nhau, hành vi là khác nhau nhưng đều xâm phạm đến cùng chung một khách thể mà pháp luật bảo vệ. Đây cũng là cách để chủ thể có hành vi vi phạm “lách luật” với quy định: “... đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… mà còn vi phạm…” tại khoản 1 Điều 332 BLHS. Ví dụ: Năm 2020, chủ thể vi phạm là cá nhân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng đến năm 2021, gia đình của cá nhân đó lại chấp nhận là chủ thể vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định 120. Từ đó khó có cơ sở để xử lý hình sự đối với tội danh trên.

2. Đề xuất, kiến nghị

Để áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất thời gian tới Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng Điều 332 BLHS vào thực tiễn. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đề xuất sửa đổi các văn bản dưới luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu theo hướng tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe.

Đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 332 BLHS theo hướng không liệt kê hành vi hoặc quy định thêm hành vi "không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe" trong phần quy định của điều luật; bỏ quy định điều kiện đủ trong phần quy định hành vi, cụ thể:

"Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

"1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự; không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

Hoặc:

"1.Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

4304

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]